Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Giám sát và Phân tích môi trường Hưng Yên đã áp dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) để tìm hiểu sự ảnh hưởng của đô thị hóa đến chất lượng nước mặt.
Quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt ở các quốc gia thu nhập thấp, thường tạo ra áp lực lên các nguồn tài nguyên ở ngoài khu vực đô thị. Do đó nhóm nghiên cứu muốn từ việc đánh giá chất lượng nước ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên để đưa ra những gợi ý rộng hơn cho đồng bằng sông Hồng.
Trong nghiên cứu này, họ tập trung vào Kim Động bởi sự gia tăng dân số và kinh tế làm tăng nhu cầu về nước trong những năm gần đây. Dẫu dồi dào về tiềm năng nước song Kim Động vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước mặt, dẫn đến thiếu hụt nước sinh hoạt và sản xuất.
Để xem xét tác động của quá trình đô thị hóa, họ đánh giá chất lượng nước mặt bằng Chỉ số chất lượng nước (WQI) và sử dụng GIS để lập bản đồ ô nhiễm ở các xã.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nước đã suy giảm đáng kể, đặc biệt là ở những khu vực có mật độ dân số cao và tập trung nhà máy, gây ra tải lượng ô nhiễm nghiêm trọng ở các con sông. Việc phân loại các xã thành ba cụm riêng biệt dựa trên tải lượng ô nhiễm đã giúp họ nhận diện Lương Bằng và các xã lân cận là những khu vực có tải lượng cao.
Với việc chứng minh mối quan hệ của mật độ dân số với tải lượng ô nhiễm cho thấy ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến chất lượng nước, do đó cần giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là từ các ngành công nghiệp và khu dân cư.
Kết quả được nêu chi tiết trong bài báo “Application of GIS to monitor the impact of urbanization on surface water quality in Kim Dong district, Hung Yen province, Vietnam”, xuất bản trên tạp chí IOP Conference Series: Earth and Environmental Science.
Anh Vũ