Theo TS-KTS Vương Hải Long, đối với khu vực nhiệt đới như Việt Nam, khi hệ thống điều hòa không khí, thông gió không đủ đáp ứng sẽ dẫn đến tình trạng nóng hay thiếu khí tươi, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

"Tháp bắp" tại Đà Nẵng.

Trong kiến trúc hiện đại, giải pháp bọc mặt tiền bằng mặt dựng kính tương đối phổ biến. Do ưu điểm thi công nhanh, dễ làm sạch, giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng, lấy được nhiều ánh sáng, hình thức hiện đại nên đôi khi việc bọc kính toàn bộ công trình bị lạm dụng, bất chấp yếu tố khí hậu, môi trường đặc thù địa phương… Các tòa nhà này có những hạn chế như hiệu ứng nhà kính, việc đảm bảo và duy trì môi trường bên trong phụ thuộc vào trang thiết bị.

Đối với khu vực nhiệt đới như Việt Nam, khi hệ thống điều hòa không khí, thông gió không đủ đáp ứng sẽ dẫn đến tình trạng nóng hay thiếu khí tươi, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Toà nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng là một ví dụ và thành phố từng tính đến phương án di chuyển.

Các tiến bộ về công nghệ vật liệu hiện nay đã cho phép khắc phục điểm yếu của nhà kính. Có thể sử dụng kính cản quang - có phủ lớp phản quang giúp giảm luồng nhiệt dư thừa và độ chói sáng, hoặc kính hộp - gồm nhiều lớp kính, xen kẽ các lớp chân không để tăng khả năng cách âm, cách nhiệt.

Điều đặc biệt là Việt Nam đã sản xuất được kính xây dựng công nghệ cao, như kính low-e (kính tiết kiệm năng lượng) được phủ hợp chất giúp phát xạ nhiệt và hấp thụ nhiệt lượng chậm, giảm nóng hiệu quả mà vẫn đủ ánh sáng. Tổng công ty Viglacera - đại diện là Công ty CP kính Viglacera Đáp Cầu và Công ty CP cửa sổ nhựa Châu Âu (Eurowindow) và một số đơn vị khác đã có các dự án hợp tác đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng.


Ngoài kính công nghệ cao, kiến trúc nhiều lớp vỏ cũng là giải pháp vừa hướng tới kiến trúc xanh, vừa tạo nét thẩm mỹ đa dạng cho tòa nhà. Sự đối lưu không khí giữa hai lớp kính (khí nóng bốc lên, khí mát đi xuống) giúp làm mát một cách tự nhiên. Tòa nhà “The Gherkin” (Quả dưa chuột) nổi tiếng ở Anh cũng áp dụng cách này.

Các giải pháp trên là cách tiếp cận kiến trúc tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh - điều mà kiến trúc thế giới và Việt Nam đang hướng đến. Tuy nhiên, mức độ áp dụng trong thực tế hiện còn khiêm tốn, mà chi phí đầu tư ban đầu cao là một nguyên nhân.