Tuy thống nhất quan điểm là tình trạng nóng và bí ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng - người dân vẫn gọi là tháp bắp - có thể khắc phục thay vì bỏ cả tòa nhà, các chuyên gia cho rằng phương án mở thêm cửa hút khí mà thành phố lựa chọn khá mạo hiểm, cần thận trọng.

Thay vì chuyển các sở, ngành khỏi trung tâm hành chính do nóng và thiếu khí, ảnh hưởng sức khoẻ những người làm việc bên trong như thông báo lúc đầu, thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ cải tạo tòa nhà bằng cách mở thêm các cửa hút không khí.

Nóng và bí là tất yếu

Tiến sỹ Nhan Hồng Quang - Phân viện trưởng Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung - cho biết, vài tháng trước khi toà nhà khánh thành (9/2014), phân viện có đo khí tươi, kết quả nhiều mẫu khí không đạt chuẩn do vệ sinh, thông gió có vấn đề. Theo ông Trần Đình Quỳnh - Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng - ở lần đo này, 13/14 mẫu khí không đạt. Sau khi khắc phục, đến lần đo thứ hai năm 2015, các mẫu khí đều đạt chuẩn.

Toà tháp Trung tâm hành chính và khách sạn Novotel được coi là cặp đôi hoàn hảo về kiến trúc, tăng tính nhận diện cho đô thị Đà Nẵng. Ảnh: T.Phúc
Toà tháp Trung tâm hành chính và khách sạn Novotel được coi là cặp đôi hoàn hảo về kiến trúc, tăng tính nhận diện cho đô thị Đà Nẵng. Ảnh: T.Phúc

Tuy nhiên gần đây, tình trạng nóng và thiếu khí trở nên nghiêm trọng đến nỗi thành phố tính đến chuyện dời trung tâm hành chính khỏi toà tháp. Theo ông Quỳnh, tình trạng này chỉ xảy ra ở các phòng tập trung đông người: “Mỗi tầng đều có phòng họp từ 40-100 người, nếu cuộc họp đông người kéo dài trong nhiều giờ thì có thể xảy ra thiếu khí”.

Giải thích nguyên nhân, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Quang Huy - Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng - cho rằng kết cấu hình trụ, bao bọc toàn kính, bịt kín từ tầng 5 là nguyên nhân gây thiếu ôxy, và thiết kế này chỉ hợp với xứ lạnh chứ không hợp với một thành phố nhiệt đới như Đà Nẵng.

KTS Trần Phúc Toàn - văn phòng kiến trúc TPTA, đang làm việc tại Đà Nẵng - phân tích, hình tháp tròn khiến cả toà nhà bị nắng chiếu cả ngày, từ đông sang tây, từ bắc về nam. “Có thể so sánh với toà Novotel cao tương đương ngay cạnh, với phần tường bêtông kín quay ra hướng tây, hệ lô gia sâu chắn mặt kính hướng nam, bắc nên phần lớn các khối phòng đều được che nắng hiệu quả. Phía nam “tháp bắp” có một toà nhà cũng toàn kính nhưng mặt cắt hình elip với cạnh dài quay ra hướng bắc - nam nên hạn chế được ánh nắng. Có thể nói, “tháp bắp” đã bỏ qua một công cụ rất hiệu quả là hình khối khi thiết kế chống nắng” - KTS Toàn nói.

Còn KTS Trần Duy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhấn mạnh, tình trạng bí và nóng ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng có nguyên nhân từ quy hoạch của thành phố. Việc mở một con đường lớn ở ven biển, phá vỡ dải cây xanh ở đó khiến cảnh quan bị thay đổi, tác động đến nền nhiệt độ xung quanh.

Có nên trổ cửa cho “tháp bắp”?

Ông Trần Văn Quỳnh cho hay, Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu cách khắc phục, và giải pháp được tính đến là trổ cửa hút gió. Đánh giá phương án này, TS Nhan Hồng Quang cho là hợp lý, nhưng lưu ý về tính an toàn bởi tòa nhà có kết cấu hình trụ và tường kính.

Cửa thông gió tầng hầm của Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: T. Phúc
Cửa thông gió tầng hầm của Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: T. Phúc

Còn KTS Trần Duy Ánh cảnh báo: “Công trình kiến trúc từ khi thai nghén đã là một cơ thể hoàn chính. Với một tòa cao ốc được bọc kín mít, việc trổ cửa không hề đơn giản như mở cửa ngôi nhà ba gian, vì sẽ ảnh hưởng đến tải trọng tĩnh, tải trọng động, tải trọng gió… Nó giúp thông gió nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố thiết kế tổ chức mặt bằng xây dựng, hệ thống điện - nước, các hệ thống kết cấu để đảm bảo tính ổn định, vững chắc của tòa nhà”.

Ông Vương Hải Long - Phó trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến Trúc Hà Nội - cho biết, với nhà cao tầng - nhất là ở vùng khí hậu gió bão - việc trổ cửa sẽ tạo hiệu ứng gió giật, cánh cửa rơi gây nguy hại cho người hoặc bản thân tòa nhà đó.

Theo KTS Trần Phúc Toàn, áp lực gió rất lớn ở trên cao là lý do các tòa nhà trên 30 tầng hiếm khi mở cửa lấy gió trực tiếp - nhất là nhà gần biển, bởi nếu không may gặp cơn dông lớn thì có thể “đi luôn cả tầng”. Chưa kể “tháp bắp” dùng kính cong tấm lớn nên rất khó mở cửa sổ.

Ảnh hưởng của không khí cao ốc tối sức khỏe và kinh tế. Nguồn: Biozonescientific, Plos, Worldwatch-europe, Usgbc
Ảnh hưởng của không khí cao ốc tối sức khỏe và kinh tế. Nguồn: Biozonescientific, Plos, Worldwatch-europe, Usgbc

Bởi vậy theo ông, để giải quyết vấn đề thiếu khí, cách khả thi nhất vẫn là sử dụng hệ thống thông khí cưỡng bức, dùng động cơ điện hút khí tươi từ ngoài vào. Còn việc chống nóng chỉ có thể dựa vào vật liệu bao che (kính cách nhiệt, rèm, phim) và năng lượng làm mát (máy điều hòa trung tâm). Đây đều là những giải pháp tốn kém và ít bền vững so với việc chống nóng, bí ngay từ khâu thiết kế.

Các chuyên gia đều cho rằng, rất khó có phương án hoàn hảo “vừa tốt vừa rẻ” cho việc khắc phục hai vấn đề trên của “tháp bắp”. Theo KTS Hoàng Quang Huy - Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng - mọi phương án khắc phục đều là chắp vá, không có tác dụng lâu dài. Phương án khả dĩ nhất là giãn bớt số người làm việc trong tòa nhà để bố trí, sắp xếp lại không gian cho thông thoáng hơn.