Những người sáng lập Vulcan Augmetics mang đến cho người khuyết tật không phải một sản phẩm công nghệ giúp họ trở thành “siêu anh hùng” của chính mình.

 Những người khuyết tật được lắp cánh tay robot của Vulcan Augmetics. Ảnh: NVCC
Những người khuyết tật được lắp cánh tay robot của Vulcan Augmetics. Ảnh: NVCC

Khi đi lắp tay cho mọi người tôi mới biết, hóa ra ước mơ của những người khuyết tật đơn giản lắm. Có người mẹ muốn có thể buộc tóc cho con gái mỗi ngày, lại có người muốn cầm và điều khiển con chuột máy tính dễ dàng…. Khi nghe những giấc mơ bình dị ấy, tôi lại thấy mình đã chọn đúng dù có rất nhiều khó khăn để khởi nghiệp trong lĩnh vực phần cứng ở Việt Nam lại với đối tượng người khuyết tật ” – Trịnh Khánh Hạ - co-founder của Vulcan Augmetics bắt đầu câu chuyện về những cánh tay robot của mình như thế.

Những ước muốn đơn giản trên chỉ là một trong số 38 triệu giấc mơ khác của người khuyết tật trên thế giới và khoảng 200.000 người ở Việt Nam. Trong khi đó, lâu nay những cánh tay silicon được lắp cho người khuyết tật mang đúng nghĩa là dụng cụ y tế thường bàn tay chỉ có thể cử động nắm - mở đơn giản, được lắp để người khuyết tật đỡ mặc cảm hơn về khiếm khuyết của mình. Nếu muốn một cánh tay robot linh hoạt, những người khuyết tật có thể phải chi ra từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn USD - một cái giá quá đắt đỏ cho người dùng Việt.

Trong năm founder của Vulcan Augmetics, nếu như Khánh Hạ chịu trách nhiệm vận hành công ty, phát triển sản phẩm và đưa cánh tay robot ‘made in Vietnam’ đi chinh chiến khắp các đầu trường startup thế giới thì bốn người cộng sự còn lại chịu trách nhiệm nghiên cứu công nghệ. “Chúng tôi có một người phụ trách công nghệ từng làm việc cho Intel và hai kỹ sư phụ trách phần cứng để đảm bảo cánh tay robot của Vulcan Augmetics không thua kém cánh tay nào trên thế giới” – Khánh Hạ tự hào nói.

Cánh tay robot giá rẻ dành cho ‘siêu anh hùng’

Được thành lập từ năm 2018 đến nay, sau hai năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Vulcan Augmetics đã trải qua chín phiên bản để có được sản phẩm hoàn thiện nhất, đã được lắp đặt thử nghiệm cho 16 người khuyết tật từ Bắc vào Nam, ở độ tuổi từ 20-55.

“Điểm nhấn công nghệ trong cánh tay robot của Vulcan Augmetics nằm ở hai bộ phận chính là phần cổ tay kết nối giữa cánh tay và bàn tay và thiết kế bàn tay đơn giản nhưng tiện lợi cho người dùng” – Khánh Hạ chia sẻ.

Trong đó, nếu như cánh tay silicon chỉ có thể gập lên gập xuống thì cánh tay robot của Vulcan cho phép xoay cổ tay 360 độ mà vẫn giữ được kết nối điện, hoạt động chắc chắn, linh hoạt. Đặc biệt, phần cổ tay này cho phép người dùng dễ dàng tháo lắp, thay thế các modul bàn tay với chức năng riêng biệt, tùy theo nhu cầu. Trong khi đó, thiết kế bàn tay của Vulcan Augmetics không đi theo xu hướng công nghệ cho phép 5 ngón tay đều có thể vận động mà được thiết kế để vận động riêng theo từng nhóm cơ tay. Điều này giúp bàn tay của Vulcan Augmetics nhỏ gọn, không phức tạp trong thiết kế, không tốn pin khi sử dụng và đặc biệt giảm giá thành xuống mức tối đa.

Ban đầu, khi đưa cánh tay vào vận hành, những nhà sáng lập Vulcan phát hiện ra, sử dụng những miếng cảm biến sinh học dán trên mỏm cụt khá bất tiện, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam.

“Mồ hôi làm miếng dán bị mất độ nhạy hoặc nhiều người không có mỏm cụt với các cơ điều khiển tay qua miếng dán” – Khánh Hạ giải thích và cho biết nhóm phải tính đến phương án khác.

Một miếng dán không bị ảnh hưởng bởi mồ hôi, ai cũng sử dụng được là mục tiêu của nghiên cứu. Cuối cùng, miếng dán cảm biến có thiết kế tương tự miếng dán hai mặt lông xù có khả năng bám chắc và kết nối với tay robot bằng bluetooth đã ra đời. Từ đây, người dùng có thể tùy chỉnh miếng dán phía dưới chân và điều khiển cánh tay một cách dễ dàng.

Với Vulcan và Khánh Hạ, họ mong muốn mỗi người dùng của mình trở thành những siêu anh hùng của chính mình, vượt qua mặc cảm, tự tin với đôi tay mới và có thể làm được những điều họ muốn. Trường phái này phổ biến ở Mỹ, châu Âu và được biết tới với tên gọi ‘trường phái siêu anh hùng’ nhưng lại còn rất mới mẻ ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Vì thế, hiện tại người dùng hài lòng với sản phẩm của Vulcan Augmetics chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20-30.


Hiện cánh tay của Vulcan Augmetics dành cho những người bị mất từ khuỷu tay xuống và có thể đáp ứng được khoảng 60% chức năng cơ bản như cầm, nắm, chịu được mức lực tối đa là 2kg. Trọng lượng cánh tay 850 gram và sẽ giảm xuống 600 gram trong thời gian tới.


‘Ngoài bàn tay có chức năng cầm nắm cơ bản, chúng tôi sẽ phát triển từng modul riêng lẻ cho từng ngành nghề. Ví dụ bàn tay giúp người làm văn phòng cầm chuột, gõ bàn phím, hay cho người làm phục vụ ở quán café. Với mỗi modul như vậy, khớp cổ tay sẽ được điều chỉnh để đảm bảo sự linh hoạt” – Khánh Hạ tiết lộ.

Sau hơn hai năm vận hành, Vulcan Augmetics cũng đã vượt qua muôn vàn khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp ở một lĩnh vực phần cứng vô cùng mởi mẻ. Việc khiến thị trường có cái nhìn khác về cánh tay robot cho người khuyết tật, coi đó như một món đồ công nghệ không phải chuyện dễ dàng. Suốt hai năm vừa qua, điều này đã có những thay đổi nhất định, cộng đồng người dùng tay robot đã được xây dựng và khiến mỗi người dùng cảm thấy mình không phải người khác biệt. Ngày nào cũng vậy, trong group lại trao đổi rộn ràng những clip sử dụng cánh tay robot làm việc nhà hay lái xe.

Dù đã có cộng đồng nhưng hai năm qua, việc gọi vốn của Vulcan Augmetics cũng không hề dễ dàng. Nếu như các nhà đầu tư dễ dàng hiểu hơn về phần mềm (software) thì phần cứng lại rất hiếm người hiểu được. Thêm vào đó, việc hướng tới những đối tượng đặc thù là người khuyết tật khiến các nhà đàu tư không ‘thoải mái lắm’ để kinh doanh và kiếm lời trên nhóm người yếu thế này. Nữ co-foudner nói: “Hầu hết nhà đầu tư đều là những người quen và tin tưởng vào đội ngũ sáng lập. Nhưng không sao cả, quan trọng là chúng tôi đã vượt qua sóng gió để có được thành quả ngày hôm nay”.

Năm 2020 sẽ là năm quyết định sự sống còn của Vulcan Augmetics. Bởi hai năm qua, sau khi đã nghiên cứu và thử nghiệm, giờ là lúc họ bước chân ra thị trường. “Với giá khoảng 23 triệu đồng, chúng tôi muốn có 100 người dùng đầu tiên. Số khách hàng mục tiêu ban đầu này có ý nghĩa quan trọng trong việc gây dựng lòng tin và sự hào hứng với sản phẩm của cộng đồng người khuyết tật trong tương lai” – Khánh Hạ quả quyết.