Nhờ kết nối trực tuyến, các kế hoạch tiếp xúc và giao thương giữa startups của hai nước Việt-Hàn do Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN làm trung gian, đã không bị gián đoạn ngay trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Báo Khoa học và Phát triển đã có cuộc trao đổi vói ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN (ASA-MOST) để hiểu rõ hơn về chuỗi sự kiện kết nối công nghệ trực tuyến đa điểm từ Hàn Quốc đến các
điểm cầu tại Việt Nam.
Ông có thể cho biết xuất phát từ đâu mà Cục Công tác phía Nam có ý tưởng thực hiện chương trình này?
Năm 2019, Cục công tác phía Nam và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp TP Seoul (Seoul Startup Hub-SSH) triển khai chương trình hỗ trợ kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hai nước Việt-Hàn nhằm tạo cơ hội hình thành các doanh nghiệp liên doanh, khai thác thế mạnh của hai bên.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội chuyển giao công nghệ và tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp qui mô toàn cầu của Seoul, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tăng tốc việc tiếp cận thị trường tiềm năng tại Việt Nam.
Kết quả, trong năm 2019, chương trình đã “se duyên” cho 7 cặp doanh nghiệp Việt-Hàn, thành công với mục tiêu đề ra.
Sang năm 2020, ASA-MOST hợp tác với Cục Doanh nghiệp thành phố Seoul (Seoul Business Agency-SBA) xây dựng chương trình, lấy việc kết nối doanh nghiệp và nội dung kết nối làm trọng tâm, không chạy theo quy mô, số lượng hay sự hoành tráng của những sự kiện để sau đó dễ dàng bỏ quên.
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả, những dự kiến của chúng tôi dường như bị đóng băng vì không thể tổ chức các cơ hội tiếp xúc, giao thương. Không chấp nhận việc này, chúng tôi chủ động đề xuất chuyển các kế hoạch tiếp xúc trực tiếp qua trực tuyến thông qua Internet. Sau khi hai bên lên kế hoạch chi tiết và cùng đánh giá, chúng tôi cho triển khai ngay.
Quay lại với câu hỏi, tôi chỉ xin trả lời ngắn gọn: từ đòi hỏi thực tiễn và trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành chúng tôi đã có ý tưởng này.
Ông có thể nói cụ thể hơn Chương trình đượcxây dựng và thực hiện như thế nào?
Chúng tôi xây dựng kế hoạch toàn năm, từng tháng và hằng tuần.
Đầu tiên, chúng tôi xây dựng dữ liệu chung về doanh nghiệp hai nước, lựa chọn các lĩnh vực tập trung cho mỗi tháng. Mỗi tháng chúng tôi sẽ thực hiện 1 cầu trực tuyến toàn thể cho lĩnh vực đã lựa chọn. Ví dụ tháng 6 vừa qua là lĩnh vực chế biến nông sản, tháng 7 là công nghệ thông tin truyền thông. Mỗi cầu trực tuyến toàn thể sẽ diễn ra trong vòng 5-8 tiếng với 10 doanh nghiệp công nghệ của Hàn Quốc; trong khi phía số doanh nghiệp Việt Nam tham dự tối thiểu nhiều gấp 3.
Sau phiên toàn thể, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các câu hỏi có độ chuyên sâu hơn từ các doanh nghiệp Việt Nam dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Khi đã có những phác thảo lộ trình hợp tác cơ bản, chúng tôi thúc đẩy các buổi họp trực tuyến theo từng cặp doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam, cái này được tổ chức hằng tuần.
Theo nhu cầu của doanh nghiệp và chiều sâu của các nội dung thảo luận hai bên, các buổi họp riêng không hạn chế về số lần. Chúng tôi hỗ trợ phiên dịch, điều phối các phiên thảo luận và định hướng các bước tiếp theo cho từng buổi họp trực tuyến của từng cặp doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng là phải đưa hai doanh nghiệp đến sự liên kết, hợp tác cụ thể.
Trong quá trình thực hiện, ông thấy các startup của Hàn Quốc mong muốn tìm kiếm, hợp tác những vấn đề gì tại Việt Nam?
Bản chất của hợp tác là “vụ lợi”, nếu hai bên không rõ mong muốn của nhau thì cuối cùng chỉ là sự lễ tân. Thẳng thắng mà nói, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung đều mong đợi sớm tiếp cận thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông có nhu cầu nguồn nhân lực tay nghề cao với giá mềm hơn tại Hàn Quốc.
Trước những mong muốn đó, các cơ quan có liên quan và startup Việt Nam có thể hợp tác được những gì?
Chắc chắn, không có bữa trưa nào miễn phí. Doanh nghiệp Việt có thể hạn chế về tiềm lực công nghệ, nhưng đổi lại chúng tôi am hiểu địa phương, đó thực sự là cái các bạn Hàn Quốc cần và hướng vào.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh những giá trị chúng ta nhận được trên cơ sở hợp tác. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đều đưa lộ trình hợp tác sản xuất sau giai đoạn kinh doanh thuần ban đầu, để dễ thành công, họ sẵn sàng tiếp cận và tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa, đặc biệt thương mại quốc tế. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận mô hình quản trị tiên tiến, tiếp cận chuỗi dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp hiện đại của Hàn Quốc…Và câu chuyện chuyển giao công nghệ được lồng ghép trong các quá trình này - đến nay, đã có nhiều cặp doanh nghiệp Hàn-Việt đã và đang trao đổi việc thiết lập cơ sở sản xuất chung tại Việt Nam.
Hài hòa lợi ích là việc vô cùng phức tạp, khó diễn giải, tuy
nhiên tôi tin vào thành công trên nguyên lý cùng thắng.
Là một đơn vị kết nối, ông có nhận xét gì về những startup Hàn Quốc?
Có thể dễ dàng nhận ra sự đa dạng của startup Hàn Quốc. Họ không quá tập trung vào một vài mô hình thành công trên thế giới. Nếu đa số các startup của ta loanh quanh trong các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, thì startup Hàn có rất nhiều bạn trẻ mạnh dạn với các dòng sản phẩm mới, không quá hoành tráng nhưng tạo sự độc đáo. Phải thừa nhận hệ sinh thái ở đây đóng vai trò quyết định. Điều đó tôi mong chúng ta có thể học tập từ họ.
Một điều rất thú vị mà tôi quan sát được về nhiều startup của họ, đó là cách lợi dụng “Làn sóng Hàn Quốc” (Korean wave/Hallyu). Họ tấn công trực diện vào các thị trường chịu ảnh hưởng sâu sắc của làn sóng này (mà theo họ có Việt Nam). Nôm na có thể gọi là hiệu ứng “ăn theo”, nhưng tôi lại nhìn nhận nó như sự nhạy bén. Tôi nghĩ Việt Nam cũng có những sản phẩm truyền thống đang được nhiều thị trường yêu thích, chỉ tiếc là rất ít startup của ta nhận ra, đây là điều đáng để học hỏi.
Ngoài ra, phải thừa nhận những kỹ năng thương mại và điều hành doanh nghiệp của họ tốt hơn ta rất nhiều. Điều này cũng một phần nhờ sự đóng góp lớn từ hệ sinh thái thực sự phát triển và hiện đại của họ.
Xin cảm ơn ông!