Hệ sinh thái này gồm các sản phẩm dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói như chatbot, callbot, trợ lý ảo, và giao diện API cho phép doanh nghiệp dễ dàng thiết kế sản phẩm của riêng mình.

Trong đó, VinBase Chatbot hỗ trợ doanh nghiệp nhận biết chính xác ý định của khách hàng; tự động gửi thông tin phù hợp với nhu cầu của khách hàng; ghi nhớ lịch sử tìm kiếm và đưa ra gợi ý theo sở thích của khách hàng; phân tích phản hồi và hành vi của khách hàng để cải thiện việc chăm sóc khách hàng. Sản phẩm này còn có khả năng trao đổi với khách hàng theo ngữ cảnh, xử lý được cùng lúc hơn 10 nghìn yêu cầu, với tốc độ phản hồi dưới 1 giây. VinBase Chatbot cũng thừa hưởng kinh nghiệm xây dựng kịch bản cho nhiều ngành nghề trong hệ sinh thái Vingroup như công nghiệp ô tô, du lịch, bất động sản, y tế.

VinBase Callbot giao tiếp bằng 4 giọng thoại nam - nữ miền Bắc và nam - nữ miền Nam; có thể tiếp nhận các cuộc gọi đến và tư vấn, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc hay tiếp nhận phản hồi từ khách hàng. VinBigData cho biết, sản phẩm này giúp giải quyết hơn 80% các cuộc gọi chăm sóc khách hàng tự động mà không cần sự trợ giúp của con người. Đồng thời, VinBase Callbot còn có thể thực hiện hàng nghìn cuộc gọi cùng lúc đến khách hàng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ; truyền tải thông tin khuyến mãi; nhắc nhở, theo dõi thanh toán. Các cuộc gọi được cá nhân hóa nội dụng và luôn đảm bảo chất lượng theo kịch bản.

Trợ lý ảo VinBase tên gọi ViVi là một trợ lý ảo dành riêng cho người Việt trong các tác vụ điều khiển xe thông minh, điều khiển nhà thông minh, chuyển khoản bằng giọng nói, tìm kiếm cây ATM gần nhất, đặt lịch và cung cấp thông tin du lịch nghỉ dưỡng, cung cấp thông tin tiện ích tại khu đô thị thông minh. ViVi có khả năng tương tác tự nhiên thông qua giọng nói, hỗ trợ xử lý nhiều tác vụ và câu hỏi phức tạp, hiểu sở thích của khách hàng dựa trên lịch sử tương tác để đưa ra những đề xuất phù hợp. Với nguồn dữ liệu lên tới hơn 30.000 giờ giọng nói đặc trưng của người Việt, ViVi hiểu được tiếng Việt bất kể vùng miền. Theo VinBigData, độ chính xác của ViVi trong các câu trả lời với nhiều chủ đề khác nhau đạt 80%.

Cuối cùng, giao diện API cho phép doanh nghiệp dễ dàng tạo lập, tùy chỉnh, thiết kế cho riêng mình các sản phẩm liên quan đến các công nghệ xử lý tiếng nói và ngôn ngữ, gồm: nhận dạng tiếng nói tự động (ASR); tổng hợp giọng nói (TTS); xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP); công nghệ sinh trắc học giọng nói (Voice Biometrics); công nghệ phân tích quan điểm (Sentiment Analysis); công nghệ khử nhiễu; công nghệ chuyển đổi giọng nói.

VinBigData cho biết, VinBase được phát triển từ hàng chục triệu mẫu dữ liệu giọng nói và liên tục được làm giàu hằng giờ, cùng các công nghệ AI tiên tiến.

Với ưu thế ưu thế giọng thoại tự nhiên, nền tảng tri thức ở hơn 100 lĩnh vực và khả năng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, các sản phẩm trong hệ sinh thái VinBase có thể hỗ trợ doanh nghiệp - đặc biệt doanh nghiệp thuộc các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, bất động sản, công nghiệp ô tô - tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng trải nghiệm người dùng; và bắt kịp xu hướng thương mại đa kênh.

Trên thực tế, các sản phẩm trong hệ sinh thái VinBase đều đang được Vingroup ứng dụng một cách hiệu quả. Chẳng hạn, sản phẩm Chatbot được VinFast ứng dụng để tư vấn khách hàng trước và và sau khi mua hàng, tư vấn chuyên môn khi mua hàng, và tìm kiếm khách hàng mới. Bên cạnh đó, dựa trên sản phẩm trợ lý ảo ViVi, VinFast còn phát triển hệ thống điều khiển bằng giọng nói tích hợp trên những chiếc ô tô điện VF e34 và VF 8 để hỗ trợ người cầm lái nhiều tác vụ liên quan tới các chức năng trên xe như điều khiển hoạt động của một số bộ phận trên xe; điều hướng, dẫn đường...

GS Vũ Hà Văn
GS Vũ Hà Văn phát biểu tại sự kiện ra mắt VinBase tối 22/12/2022 tại Hà Nội. Nguồn: VinBigData

Phát biểu tại lễ ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo đa nhận thức toàn diện VinBase tối 22/12, GS Vũ Hà Văn - Giám đốc khoa học, Phó chủ tịch công ty cổ phần VinBigData - cho rằng, bất kỳ nước nào giàu lên đều nhờ một cuộc cách mạng nào đó - nước Anh với cuộc cách mạng động cơ hơi nước, Hàn Quốc với cuộc cách mạng điện tử... Và theo ông, cách mạng công nghiệp 4.0 lần này là cơ hội cho Việt Nam khi hầu hết các kiến thức, ý tưởng đều được chia sẻ trên các nền tảng và trong các công trình xuất bản mở. Để bắt kịp chuyến tàu 4.0, các công ty công nghệ non trẻ của Việt Nam về cơ bản chỉ cần có hai yếu tố: nhân lực và dữ liệu - nhân lực được đào tạo đủ tốt và dữ liệu của chính chúng ta.

GS Văn nhớ lại, khi ông bắt đầu công việc ở VinBigData cách đây hơn bốn năm, có người khuyên ông nên mua công nghệ của nước ngoài về và hoàn thiện nốt 10-15% còn lại cho nhanh. Theo ông, đó không phải là ý dở về mặt thương mại nhưng như vậy có nghĩa là chấp nhận ngồi nhìn doanh nghiệp nước ngoài khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu dồi dào của chúng ta. Thế nên ông quyết định chọn cách làm thách thức hơn - tự phát triển công nghệ của người Việt. Và đến lúc này, ông đã có thể tự tin nói rằng lựa chọn đó hoàn toàn đúng đắn, mà nếu làm khác đi thì ông sẽ rất hối tiếc vì đã để cơ hội vuột mất. “Khi có sản phẩm của mình rồi thì không còn phải sợ các đối thủ nước ngoài nữa,” ông kết luận.

Tại sự kiện ra mắt, một số doanh nghiệp như ngân hàng ACB, công ty quản lý taxi G7... cũng chia sẻ lý do vì sao họ chọn VinBigData làm đối tác giữa rất nhiều công ty công nghệ giàu kinh nghiệm hơn hẳn của nước ngoài và những giá trị mà các sản phẩm trong hệ sinh thái VinBase đóng góp cho dịch vụ của họ.