Đã có thời những startup và công ty phát triển nhanh ở Mỹ chỉ là đặc quyền của thung lũng Silicon hay Seattle, song điều đó giờ đây không còn đúng nữa.
Nước Mỹ ngày nay có thể tự hào vì đang sản sinh thêm nhiều điểm nóng về đổi mới như Austin, Miami, New York, Washington DC,… Các trung tâm tương tự cũng đang mọc lên khắp châu Âu, bao gồm Amsterdam, Berlin, Helsinki, London, Paris hay Stockholm. Và hiện tượng này không chỉ giới hạn tại phương Tây – nơi tập trung những nền kinh tế tiên tiến, văn hóa khởi nghiệp (startup culture) trên thực tế đã lan rộng khắp toàn cầu.
Các startup thành công giờ không còn là đặc quyền của thung lũng Silicon. Ảnh: HBO.
Trong số các tay chơi nổi bật, Trung Quốc đang tỏ ra cực kỳ quyết tâm, còn Ấn Độ cũng không chịu kém cạnh. Nhưng các kỳ lân (unicorn) có thể xuất hiện ở bất cứ đâu: Brazil, Indonesia, Nigeria, Singapore, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản,… và cả Việt Nam. Phần lớn những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh thường hoạt động trong lĩnh vực fintech, thương mại điện tử, phần mềm, dịch vụ internet, chăm sóc sức khỏe, EdTech (công nghệ giáo dục), trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, logistics,… tức đại diện cho nền kinh tế kỹ thuật số. Sự tăng trưởng và kiến tạo giá trị cũng đang diễn ra khá sôi nổi với xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh và nền kinh tế tuần hoàn; lấy ví dụ: startup Back Market tại Paris được định giá tới 5,7 tỷ USD nhờ thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử,… Hay lĩnh vực y sinh, với vô số tiềm năng ứng dụng trong y học, nông nghiệp,… cũng đang thu hút rất nhiều sự chú ý.
Có thể nói địa hạt kỹ thuật số đã trở thành một mảnh đất đặc biệt màu mỡ cho hoạt động đổi mới toàn cầu, nhờ vào đặc tính dễ tiếp cận (ngày càng tăng) của nó. Đó là trái ngọt từ sự mở rộng chóng mặt của thị trường internet di động với hơn 6,6 tỷ thiết bị smartphone – gần bằng 84% dân số thế giới. Ngoài ra, sự kết hợp giữa hình thức đầu tư công và tư cũng góp phần đáng kể vào việc cải thiện chất lượng cũng như cắt giảm chi phí nối mạng,… Một tác nhân hữu ích nữa là rào cản gia nhập thị trường thấp (yêu cầu vốn đầu tư thấp) cùng nguồn nhân lực đang tăng trưởng cả về chất và lượng. Chưa hết, giải pháp đám mây cũng đang giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm được không ít chi phí cho cơ sở hạ tầng, khiến nhiệm vụ mở rộng quy mô trở nên khả thi hơn bao giờ hết.
Các mô hình kinh doanh trên nền tảng internet đang có rất nhiều không gian tăng trưởng. Theo một báo cáo do Trung Quốc thực hiện, khoảng cách địa lý trung bình giữa người bán và người mua trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn có thể lên đến 1.000 km – so với 5 km theo phương thức truyền thống. Những doanh nghiệp fintech, EdTech, thương mại điện tử,… đang không chỉ chiếm lấy khách hàng của các đối thủ truyền thống mà còn hướng tới những thị trường hoàn toàn mới. Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển có thêm động lực mạnh mẽ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và mở rộng mạng internet di động, qua đó gắn kết những mô hình kinh doanh định hướng lợi nhuận do tư nhân điều hành với mục tiêu tăng trưởng bao trùm (inclusive growth).
Trong khi phần lớn rào cản địa lý đã được loại bỏ nhờ internet thì vẫn còn đó không ít giới hạn cho sự bùng nổ của các công ty phát triển nhanh. Những startup thành công trên thực tế vẫn đang tập trung chủ yếu ở một số điểm nóng. Chẳng hạn, 17/24 kỳ lân của Đức (tính đến tháng 3/2022) có trụ sở tại Berlin và 5 ở Munich; hay trong số 24 kỳ lân hàng đầu nước Pháp thì 19 đặt tại Paris và 1 ở vùng phụ cận. Xu hướng này phản ánh tầm quan trọng của các hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp địa phương, bao gồm khuôn khổ pháp lý, hoạt động đầu tư mạo hiểm, kêu gọi vốn, dịch vụ pháp lý, tuyển dụng,... Một số cơ sở hạ tầng cứng và mềm khác cũng đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao hiệu quả cùng tính năng động trong quá trình đổi mới, nhưng chúng cần thời gian để phát triển chín muồi.
Các công ty đa quốc gia thường sở hữu lợi thế để thúc đẩy sự tiến bộ trong những lĩnh vực này nhờ năng lực, kinh nghiệm cùng mạng lưới toàn cầu của họ. Nhưng đó không đơn thuần chỉ là áp dụng rập khuôn cùng một mô hình kinh doanh trong các môi trường mới mà cần xây dựng được những đội ngũ nhân sự phù hợp – thực sự am hiểu về các vấn đề địa phương và cùng gắn kết với nhau – để dẫn dắt tiến trình. Một mạng lưới cục bộ mang tính tương tác cao như vậy chính là nền tảng của những hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, giúp thúc đẩy sự chuyển hóa các ý tưởng sáng tạo thành những startup thành công. Trong đó, các nhà đầu tư thiên thần giàu kinh nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng; họ cần tự coi mình là những người đồng hành xây dựng doanh nghiệp chứ không chỉ chấp nhận rủi ro. Các đại học và viện nghiên cứu cũng là những thực thể không thể thiếu, bởi đó thường là nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ trên tinh thần sáng tạo cởi mở, và là nguồn cung cấp nhân tài khởi nghiệp tiềm năng.
Đứng trước cuộc cách mạng số hóa, quốc gia nào cũng cần và đều có thể nuôi dưỡng những trung tâm khởi nghiệp của riêng mình. Nhưng sự chuẩn bị và trau dồi tốt mới là yếu tố quyết định thành công, đặc biệt liên quan tới vốn con người, cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý và các chính sách hỗ trợ. Tinh thần khởi nghiệp, không mấy nghi ngờ đã lan tỏa khắp toàn cầu, nhưng nhịp đập của nó hãy còn nằm tại địa phương.
Bài viết của Giáo sư Michael Spence, Nobel Kinh tế 2001.
Theo Project Syndicate