Khác với dạy học trực tiếp, việc giao tiếp thông qua màn hình có thể khiến học sinh trở nên mất tập trung và bản thân giáo viên cũng không nắm rõ được cảm xúc, trình độ học sinh để đưa ra phương án giảng dạy hợp lý. Các nền tảng, ứng dụng giáo dục đã tìm đến AI như một công cụ giúp khắc phục vấn đề này.
Đối với giáo viên, nhận biết cảm xúc và mức độ tập trung của học sinh là yếu tố quan trọng để dẫn dắt nhịp độ lớp học. Tuy nhiên, điều này lại trở nên vô cùng khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, khi khả năng quan sát của người dạy bị hạn chế bởi giới hạn của màn hình máy tính - họ chỉ có thể nhìn thấy gương mặt học sinh qua những khung hình nhỏ. Điều này lại càng thêm phần khó khăn khi các nền tảng học trực tuyến đã phát triển thêm tiện ích thay khung nền, khiến giáo viên không thể biết học sinh của mình có đang ở một địa điểm thuận lợi cho việc học tập hay không. Các chuyên gia giáo dục đã cùng nhau thảo luận về vấn đề này tại buổi tọa đàm “Giải quyết mối nguy lỗ hổng kiến thức” thuộc chuỗi sự kiện
Techforstudy diễn ra vào ngày 3/10 qua.
Theo TS Bùi Hải Hưng (Viện trưởng VinAI, Vingroup), công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng giúp khắc phục phần nào khó khăn này, từ đó cải thiện những trải nghiệm trong một lớp học trực tuyến. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo có thể giúp nhận diện mức độ tập trung của từng học sinh cũng như mức độ chung của cả lớp trên thang điểm từ 1-10, từ đó đưa ra phản hồi, giúp giáo viên nhận biết tình trạng lớp học hiện tại để có phương án khắc phục hợp lý.
Trong khi đó, anh Nguyễn Phan Dũng - CTO Clevai Math, nền tảng học toán trực tuyến hai thầy một trò cho học sinh phổ thông - cho biết Clevai Math đã nhận thức được mức độ quan trọng của vấn đề này và quyết định thử nghiệm công nghệ Amazon Rekognition để nhận diện 8 loại cảm xúc của học sinh - bao gồm hứng thú, giận dữ, chán nản, bình tĩnh, ngạc nhiên… Cụ thể, Amazon Rekognition có thể phát hiện khuôn mặt trong hình ảnh hoặc video, tìm các điểm nhấn trên khuôn mặt như vị trí của mắt và phát hiện cảm xúc vui hay buồn trong thời gian gần với thời gian thực mà không cần quản lý cơ sở hạ tầng hay lập mô hình. Trong quá trình thử nghiệm công nghệ này, “Clevai Math nhận thấy nó giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức”, anh Dũng cho hay.
Không nằm ngoài hướng ứng dụng công nghệ vào việc dạy học, ThS Văn Đinh Hồng Vũ, Founder & CEO ELSA Speak - ứng dụng hỗ trợ học nói và giao tiếp tiếng Anh nổi tiếng hiện nay - cho rằng công nghệ sẽ đưa ra những gợi ý hiệu quả cho cả người dạy và người học. Tương tự như việc mua sắm trên Amazon, xem phim Netflix, nền tảng sẽ đề xuất cho bạn các sản phẩm, bộ phim dựa trên lịch sử tìm kiếm của bạn, “khi thiết kế bài học, Elsa cũng tập trung vào việc cá nhân hóa quá trình học tập. Chúng tôi sẽ dựa vào kết quả bài học trước, hồ sơ bài học của người dùng trong tháng qua để đưa ra bài học tiếp theo”.
Bên cạnh đó, “với AI, chúng tôi cũng có thể dự đoán được với cách học như hiện tại thì người dùng có thể đạt được mức điểm cần thiết của khóa đó không. Nếu bạn nào có khả năng không đạt đủ điểm thì giáo viên sẽ tập trung hướng dẫn cặn kẽ, tìm ra phương án giảng dạy phù hợp cho bạn ấy hơn. Thêm nữa, nếu một bạn đang tiến bộ nhanh chóng thì AI sẽ đề xuất một bài học khác; nếu một bạn bị tuột lại thì AI sẽ chỉnh lại giáo trình. Tất cả những điều đó công nghệ và AI đều đang làm khá tốt”, ThS Văn Đình Hồng Vũ nhận định.
Nhìn chung, theo chị, AI đã và đang được ứng dụng rất nhiều trong việc cá nhân hóa quá trình học tập. Giờ đây, AI đã có thể đưa ra những nhận xét kỹ lưỡng về kết quả học tập, đề xuất bài kiểm tra đầu vào, giúp giáo viên hiểu cảm xúc của học sinh hơn từ đó đưa ra phương án giảng dạy hợp lý với những cảm xúc đó.
“Nhưng AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn giáo viên, AI chỉ là một công cụ hỗ trợ giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, người giáo viên vẫn phải không ngừng nỗ lực để cải thiện kỹ năng giảng dạy của mình chứ không phải phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ”, ThS Vũ kết luận.