Trong danh sách đề cử giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á Rice Bowl award, có một cái tên rất lạ nổi lên trong lĩnh vực foodtech – vốn là thế mạnh thu hút đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay: Foodmap.

Tùng Phạm
Tùng Phạm

Nhưng đằng sau cái “bản đồ ẩm thực thời công nghệ” này, là một cái tên rất quen: Tùng Phạm, giám đốc điều hành cũ của Cầu Đất Farm, hay còn biết đến với tên gọi “Tùng UFO”.

Tùng – chàng trai từ trên trời rơi xuống

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Tùng tại vòng chung kết cuộc thi Thách thức Khởi nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao do Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức rất lạ: Một chàng trai trẻ, rất trẻ, và có vẻ ngơ ngác giữa đám đông, nhưng sở hữu một startup rất khủng. Lúc đó, Tùng vừa rời vị trí giám đốc điều hành Cầu Đất Farm – một mảnh đất nông nghiệp ở Đà Lạt rộng 200 ha, và vừa giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp của vương quốc Anh với startup mới nhất của mình, và từ chối nhận lời cố vấn đồng hành vì đang trong giai đoạn làm việc với nhà đầu tư.

Hỏi đang làm cho một startup “nhà giàu”, xong chuyển qua tự làm “nhà nghèo”, cảm giác sao? Tùng cười: Không ai cứ cày cuốc mãi trên mảnh đất của người khác được. Đơn giản là mình “chưa giàu” thôi. Chứ quyết tâm theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, chắc chắn sẽ tới lúc mình giàu thôi mà… Tùng đi cùng với Trường, giới thiệu là bạn thân của mình, là một chàng nông dân người dân tộc thiểu số, cả đời theo đuổi việc trồng trọt bằng phương thức cổ truyền của ông bà mình hàng ngàn năm trước: không chất hóa học, không giống biến đổi gene, và không can thiệp quá nhiều vào đất. Thấy hai người ríu rít, cảm nhận được cái sự… UFO thực sự của Tùng.

Bẵng đi một thời gian, không thấy Tùng xuất hiện nhiều nữa. Hóa ra, anh chàng sang Myanmar để… đi tu. Trải nghiệm làm một nhà sư của Phật giáo Nguyên thủy đưa Tùng tới những góc nhìn khác, điềm tĩnh hơn, bao dung hơn, về cuộc sống và công việc. Nó giống như một cách “nạp năng lượng tích cực”, để chuẩn bị cho một hành trình dài, mà Tùng gọi là “dốc hết sức cho nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam và châu Á”.

Hành trình bản đồ ẩm thực

Đây là Tùng, với một bà cụ ở vùng A Lưới, Huế. Đó là nơi anh sinh ra, và là nơi mà dự án Foodmap muốn giới thiệu với thế giới món cà phê bản địa của vùng đất này. Tùng kể trên Facebook của mình: “Mế đã 84 tuổi, khỏe mạnh, minh mẫn, dí dỏm - mình tình cờ được gặp trong một lần đi A Lưới - Huế. Ngày ngày 3 giờ sáng đi bộ vào rẫy chăm cây, 5 giờ chiều về, một mình không con không cháu,chồng mất trong chiến tranh . Bí quyết của Mế là luôn lao động và nấu chuối hột uống hằng ngày. Không biết sau này 84 mình còn được như ri không, chứ thấy đang xài thân thể hao quá”.

Đó là một chiến dịch của FoodMap.asia, mà theo Tùng, là một website nhỏ với mục tiêu cũng không có gì to tát, chủ yếu là nơi giới thiệu các Nông sản Ngon Lành và trước hết là cho người thân, bạn bè và những người quen biết. Tùng thấy, A lưới là vùng nghèo bậc nhất ở Huế nên là địa phương lựa chọn trước để thực hiện chiến dịch, trong tương lai sẽ có nhiều địa phương khác nữa.

Mỗi một chiến dịch được khởi động từ FoodMap sẽ là mỗi câu chuyện thú vị từ nông nghiệp. Và được khảo sát, làm việc rất kĩ lưỡng với nhà sản xuất, người nông dân. Có những chiến dịch cùng các nhà vườn làm việc trong vòng 4-6 tháng liên tục để đảm bảo những gì FoodMap giới thiệu là thực sự chất lượng như tiêu chí Ngon & Lành đã cam kết.

Foodmap cũng tự phát triển một công cụ nhỏ về truy suất nguồn gốc (hiện chỉ chạy nội bộ và cho một số đối tác) và sẽ nhúng một IoT Platform đơn giản bên dưới (nghề của Tùng mà) để “tracking” thông số độc lập để phục vụ cho việc đưa thông tin cụ thể hơn cho mọi người nên một số chiến dịch sau này mọi người cũng đừng bất ngờ khi scan thấy luôn nhà vườn hay cơ sở sản xuất hoạt động như thế nào.

Đi kèm với Foodmap, là chương trình trích 10.000 đồng trên mỗi sản phẩm bán ra để hỗ trợ cho trẻ em về học tập, chỉ tập trung hỗ trợ trẻ em về giáo dục mà thôi và được làm ngay chính địa phương diễn ra chiến dịch…

“Mình sinh năm 1989, trước đây học Đại học Bách khoa TP.HCM chuyên ngành tự động hóa. Mình đã khóc khi nhìn thấy gói Vinamit ở một siêu thị ở Bỉ, và muốn đem sức mình ra làm được nhiều sản phẩm Việt Nam hơn như vậy” – đó là Tùng, một chàng trai từ trên trời rơi xuống.