KH&PT hỏi chuyện ông Bùi Hải An, một chiến lược gia về kinh tế số, giám đốc điều hành của Timo Digital Bank – một trong những ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam quanh chuyện lo lắng nhất hiện nay: làm gì khi dịch cúm làm cho mọi việc đảo lộn?
Người ta bảo thời dịch cúm là lúc kinh tế số (digital business) lên ngôi. Ông nghĩ sao về suy nghĩ này?
Theo nhận định của mình thì digital business đã bắt đầu phát triển rất mạnh trong 3-4 năm gần đây đến từ các startup công nghệ cũng như các công ty truyền thống bắt đầu chuyển mình. Dịch cúm hiện tại làm cho mọi người ngại đến những nơi công cộng, ngại tiếp xúc với người lạ và phải tránh dịch ở nhà giúp cho những hoạt động kinh doanh thông thường trở nên khó khăn hơn và việc chuyển sang các kênh “digital” trở thành một lựa chọn hợp lý.
Ví dụ dễ thấy nhất là việc giao nhận đồ ăn trực tuyến trở thành lựa chọn hàng đầu cho mọi người. Chỉ cần ở nhà mở một trong hàng loạt ứng dụng giao đồ ăn như GrabFood, Now, Go-Food, Beamin hay LoShip là có thể chọn gần như đầy đủ các loại món ăn quen thuộc, và khả năng cao là mua được từ quán quen thuộc. Các hàng quán cũng ghi nhận rất rõ sự gia tăng đáng kể các đơn trực tuyến này so với trước mùa dịch.
Một sự trùng hợp là các nền tảng này sau hơn hai năm ra mắt ở thị trường Việt Nam đã tạo đủ thói quen cũng như hạ tầng cần thiết (đội ngũ tài xế, số lượng của hàng gia nhập hệ thống, ..). Thử nghĩ xem nếu dịch Corona này xảy ra tầm 2-3 năm trước, mọi chuyện sẽ khác rất nhiều.
Ngoài ví dụ trên, còn rất nhiều ví dụ khác của các doanh nghiệp đẩy mạnh việc bán hàng qua các kênh digital như các sàn thương mại điện tử, hoặc quảng cáo trên mạng xã hội trong thời điểm dịch cúm đang bùng nổ. Hoặc có những doanh nghiệp tận dụng các kênh truyền thông nội bộ qua ứng dụng như giải pháp gắn kết nhân viên BravoHR để liên tục động viên và chia sẻ với nhân viên về tình hình chung và kế hoạch ứng phó của công ty, thay vì thông qua các kênh giao tiếp truyền thống đang bị hạn chế như hiện tại.
Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh ở đây là mọi người sẽ thấy rõ hơn sự trỗi lên của các kênh bán hàng digital hơn là sự lên ngôi của các digital business thật sự - mặc dù đây thật sự là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp đã đi sớm trong công cuộc digital transformation - chuyển đổi số của mình.
Digital transformation nghe thì rất hiện đại và hợp thời, nhưng theo ông thì hiện trạng ở VN như thế nào?
Digital Transformation quả thật rất hợp thời, ít nhất nó là bước triển khai đủ cụ thể cho cuộc kêu gọi tiến lên cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ hơn 3 năm trước. Qua đó, rất nhiều các công ty công nghệ từ các lão làng cho đến các startup mới sau này đã chuyển hướng chú tâm hơn vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành Digital Transformation. Bước quan trọng đầu tiên của chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy chiến lược doanh nghiệp cũng đã có nhiều tiến triển rất tích cực. Hầu hết các chủ doanh nghiệp mà tôi có dịp tiếp xúc đều rất quan tâm, thậm chí khá lo lắng mình sẽ bị lạc hậu trước làn sóng này. Như vậy công cụ cũng không hẳn là thiếu, quyết tâm từ phía lãnh đạo cũng dâng cao, nhưng thực tế thì có vẻ chậm hơn mong đợi vì nhiều lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất đến từ cách quản trị sự thay đổi, không có nghĩa chỉ là mua một công cụ hay hệ thống về để triển khai mà còn kéo theo cả những biến chuyển khác từ quy trình làm việc, đào tạo nhân viên, và thậm chí thay đổi cả về mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, đánh giá cá nhân tôi là đang có rất nhiều phát triển tích cực cho các doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua và đang trở thành xu thế không thể cản lại nếu doanh nghiệp muốn đảm bảo sự tồn tại của mình trong 3-5 năm tới.
Học sinh nghỉ học làm người ta nói nhiều tới giáo dục trực tuyến. Nhưng nó đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị hơn. Ông nghĩ nên bắt đầu sự chuẩn bị này như nào?
Để thực sự làm được giáo dục trực tuyến, nó không chỉ là việc các trường hoặc trung tâm đào tạo đã có một hệ thống Online Learning hay Learning Management System hay chưa (mặc dù đây là bước đầu tiên quan trọng), mà còn đến từ thói quen của cả thầy cô và học sinh. Việc học qua kênh trực tuyến gần như chưa bao giờ là một phần của các chương trình giáo dục hay đào tạo, cho nên việc thích nghi sẽ cần rất nhiều thời gian. Về phía giáo viên, việc soạn nội dung bài giảng để có thể “trực tuyến hóa” sẽ khá khác với cách giảng bài thông thường. Về phía học sinh, học trực tuyến thật sự đòi hỏi nhiều kỷ luật bản thân hơn việc lên lớp - nhất là với các bài giảng không phải thời gian thực mà học sinh có thể chọn để học bất kỳ khi nào mình muốn.
Khách quan mà nói thì các nền tảng giáo dục trực tuyến đang làm mưa làm gió ở Việt Nam như Topica hoặc Kyna thì đã khởi động việc này từ vài năm trước, cũng như đã một phần tạo thói quen cho người dùng. Cùng với các trung tâm ngoại ngữ, việc học trực tuyến đã là một phần trong giáo trình giảng dạy. Tuy nhiên đây vẫn chủ yếu là người đã đi làm hoặc sinh viên. Còn với các học sinh cấp 2, cấp 3 và chương trình chính khóa thì gần như chưa có sự chuẩn bị gì cả về nội dung và thử nghiệm giảng dạy. Đây sẽ là trở ngại lớn nhất để có thể triển khai việc thay thế khi học sinh nghỉ học.
Quay lại về việc xây dựng một hệ thống giáo dục trực tuyến (online learning) bài bản cũng đòi hỏi việc đầu tư sát sao từ các trường từ phần công nghệ (chọn giải pháp phù hợp), cho đến chuẩn bị nội dung giảng dạy theo giáo án từ giáo viên và các bài kiểm tra thi cử trực tuyến kèm theo bài học. Quá trình này tốn rất nhiều thời gian và công sức của toàn bộ đội ngũ giảng dạy và hỗ trợ từ nhà trường để triển khai thí điểm và xác minh tính hiệu quả của các nội dung này. Thời gian để nhà trường có thể sẵn sàng cho giáo dục trực tuyến có thể kéo dài đến 2-3 năm, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ thì là khi nào?
Là một trong những người đầu tiên nói về khái niệm “chiến lược số cho doanh nghiệp”, xin ông chia sẻ cụ thể hơn về định nghĩa và xu hướng này?
Hiện tại khi nhắc đến Digital Strategy với các doanh nghiệp thì câu chuyện khá giống như “Thầy bói mù xem voi”. Tùy thuộc vào vị trí chức vụ (Chief) nào được hỏi, bạn sẽ có câu trả lời khác nhau. Đối với giám đốc Marketing (CMO) thì nó là Digital Marketing Strategy, là làm website, social, SEO, PPC, etc … và đây thật ra cũng là bộ phận đã tiếp xúc với thế giới Digital lâu đời nhất. Còn nói đi hỏi giám đốc kinh doanh (CCO) thì nó sẽ là hệ thống CRM, Loyalty và các kênh bán hàng digital như sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, … giám đốc tài chính (CFO) thì sẽ nói đến các mảng doanh thu từ kênh trực tuyến. Và giám đốc CNTT (CIO) thì sẽ nói đến điện toán đám mây cũng như dữ liệu lớn ứng dụng vào doanh nghiệp.
Thật ra câu trả lời đơn giản nên là “tất cả những cái trên”, và quan trọng hơn thì vị CEO sẽ nghĩ Digital Strategy là gì và quan trọng tới mức nào đối với doanh nghiệp của mình. Cho nên khái niệm CEO có thể sử dụng cho “Digital Strategy” là việc ứng dụng các công nghệ về digital vào mô hình kinh doanh hiện tại của mình để tạo ra những năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp - trong tương lai, gần như tất cả chiến lược kinh doanh đều sẽ là chiến lược có liên quan đến digital với đà phát triển vũ bão của công nghệ như bây giờ.
Hơn nữa ở Việt Nam trong vòng 3-4 năm gần đây, sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ như các nền tảng về vận chuyển (Grab, Go-Viet, Be), nền tảng giao hàng (Ahamove, Lalamove, ..), nền tảng thương mại điện tử (Tiki, Shopee, Lazada, Sen Đỏ, …), nền tảng thanh toán trực tuyến và ví điện tự (Momo, Moca, ZaloPay, ..) cộng với nhiều giải pháp về Digital Transformation cũng xuất hiện như có đề cập ở trên đã mở ra nhiều sân chơi mới cho các chiến lược digital có thể dễ dàng áp dụng. Gần như tất cả các doanh nghiệp để đang theo xu hướng này bằng một cách nào đó, thông qua việc đầu tư làm digital marketing, hoặc nâng cấp hệ thống nội bộ cho doanh nghiệp, … Nhưng để thật sự tạo ra lợi thế cạnh tranh từ công nghệ digital, sự thay đổi cần phải đến từ mô hình kinh doanh (hay chiến lược top-down) thay vì chỉ là những thay đổi cục bộ ở từng phòng ban hoặc mảng kinh doanh.
Ví dụ như Biti’s là một công ty đã kịp bắt nhịp cuộc chơi để thích ứng mô hình kinh doanh của mình từ chỉ mở cửa hàng bán lẻ thì trong những năm gần đây cũng đã triển khai nhiều hoạt động digital marketing và branding, song song với kết hợp làm thương mại điện tử và mở các kênh phân phối mới.
Như có đề cập ở trên, đợt dịch này cho thấy rõ hơn sự quan trọng của việc có một Digital Strategy bài bản, việc triển khai Digital Transformation đầy đủ cho doanh nghiệp để có thể thích nghi trong môi trường kinh doanh đang thay đổi liên tục như bây giờ.
Xin cảm ơn ông!