Greenpeace International, Stand.earth và 350 Asia vừa lập một website nhằm kêu gọi Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, giảm lượng phát thải carbon khổng lồ của mình.

Mức tiêu thụ năng lượng và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của gã khổng lồ bán dẫn này đang gây lo ngại, theo trang web có tên "Time to Chip In”. Các nhóm cho biết cam kết về khí hậu không tham vọng của TSMC đang cản công cuộc ngăn chặn thảm họa khí hậu.

Jude Lee, phó giám đốc điều hành của Greenpeace East Asia, cho biết TSMC nên hướng đến mục tiêu 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, sớm hơn 20 năm so với cam kết hiện tại của công ty và nên công bố một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu này.

"TSMC đã tụt hậu so với các công ty cùng ngành trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong khi lẽ ra họ phải là người dẫn đầu", Lee nói trong một tuyên bố ngày 8/5. "TSMC có tiềm năng mua và lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà, đồng thời tận dụng ảnh hưởng của mình để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Đài Loan".

Hình minh họa. Nguồn: AFP

Vai trò quá lớn của TSMC trong sản xuất chip ngày càng bị giám sát chặt chẽ trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tác động môi trường của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Là nhà cung cấp hơn 90% chip tiên tiến của thế giới, TSMC ký hợp đồng với các công ty công nghệ lớn nhất - gồm Apple, Amazon, Microsoft và nhiều thương hiệu tiện ích hàng đầu.

Ngành sản xuất chip bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tiêu thụ 286 terawatt giờ (TWh) điện năng trên toàn cầu vào năm 2030, hơn gấp đôi mức sử dụng năng lượng vào năm 2021 và đang trên đà thải ra lượng khí thải tương đương 86 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2030, gấp đôi tổng lượng khí thải của Bồ Đào Nha, theo báo cáo của Greenpeace.

TSMC phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, với năng lượng tái tạo chỉ chiếm 9% tổng mức sử dụng năng lượng vào năm 2021, theo Greenpeace. Đồng thời, mức tiêu thụ điện của công ty đang trên đà tăng gần gấp ba vào năm 2030, sử dụng lượng điện tương đương cho 5,8 triệu người.

Gary Cook, giám đốc chiến dịch khí hậu toàn cầu tại Stand.earth, cho biết: "TSMC đang nhanh chóng mở rộng các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng của mình ở cả châu Á và Mỹ, và hiện tại việc mở rộng này đang làm tăng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Việc TSMC không đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ là một thảm họa khí hậu mà còn là rủi ro kinh doanh đối với TSMC và các khách hàng quan trọng nhất của họ".

Trong một tuyên bố bằng văn bản, TSMC nói đã tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi sạch quy trình sản xuất chất bán dẫn của mình.

Công ty đã thành lập Dự án Net Zero vào năm 2020 để thảo luận và đánh giá các mục tiêu phát thải năm 2050 và ký thỏa thuận mua bán năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới với công ty năng lượng Đan Mạch Orsted vào năm 2020, cam kết mua 920 megawatt năng lượng tái tạo trong 20 năm tới.

TSMC cũng thông báo vào tháng trước rằng họ đã ký hợp đồng mua 20 năm với tổng số 20.000 Gigawatt giờ (GWh) năng lượng tái tạo với công ty năng lượng Ark Power để phục vụ các nhà cung cấp và công ty con của họ.

“TSMC sẽ tiếp tục thiết lập các biện pháp giảm thiểu liên quan, tăng cường nhiều đổi mới xanh, dẫn đầu ngành với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng xanh và tích cực áp dụng năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050”, công ty cho biết.

Theo Tracy Cheng, nhà vận động khí hậu và năng lượng tại Greenpeace East Asia, liên minh các nhóm môi trường sẽ tiếp tục theo dõi TSMC về quá trình chuyển đổi năng lượng của họ.

Nguồn: