Tình trạng hàng triệu gà trống con bị giết mỗi năm sẽ sớm được giải quyết nhờ thành quả của hàng loạt công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở khắp thế giới.

Gà cũng bị phân biệt giới tính

Theo Washington Post, chỉ tính riêng tại Mỹ, hằng năm có khoảng 302 triệu gà mái được nuôi để thu về 80 tỷ quả trứng, tương đương 10 tỷ USD doanh thu. Điều gì xảy ra với gà trống non?

Do không đẻ, cũng không thể nuôi lấy thịt (vì giống gà được nuôi để sản xuất trứng khác với giống nuôi lấy thịt), chúng không có giá trị với nhà sản xuất nên bị tiêu hủy ngay lập tức khi vừa ra đời. Có hàng triệu gà trống bị giết mỗi năm bằng cách cho hít khí độc hoặc ném vào máy xay. Điều này không chỉ gây phẫn nộ cho những người hoạt động vì quyền động vật mà còn rất tốn kém.

Dưới sức ép của nhiều tổ chức bảo vệ động vật, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gà phải có kế hoạch để thay đổi. Chad Gregory - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất trứng của Mỹ - cho biết trên Foxnews: “Chúng tôi biết rằng hiện có nhiều nghiên cứu trên thế giới hướng tới việc giải quyết vấn đề này. Chúng tôi rất ủng hộ và mong các nhà khoa học sớm phát triển các giải pháp để gà trống không còn bị tiêu hủy. Chúng tôi tin là có thể áp dụng các giải pháp này vào năm 2020 hoặc ngay khi chúng được thương mại hóa và khả thi về mặt kinh tế”.

Vấn đề tiêu hủy gà sẽ sớm được các thành tựu khoa học giải quyết. Ảnh: Nola

Tránh nạn giết gà nhờ công nghệ

Có khá nhiều phương pháp được tính đến, trong đó hướng khả thi nhất là xác định giới tính của gà ngay khi còn trong trứng. Trứng được xác định sớm là chứa phôi con trống sẽ có thể đem bán làm thực phẩm. Rất nhiều nhóm nghiên cứu đang chạy đua phát triển và thương mại hóa phương pháp này.

Theo tờ Wired, dựa vào việc các nhiễm sắc thể quy định gene của con trống lớn hơn của con mái, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Leipzig (Đức) đã đưa ra phương pháp xác định giới tính đặc biệt.

Họ sử dụng tia laser để cắt ra một lỗ siêu bé trên quả trứng rồi chiếu ánh sáng hồng ngoại vào mạch máu bên trong. Dựa vào sự phân tán ánh sáng, họ có thể biết quả trứng đó sẽ sinh ra gà trống hay gà mái chỉ sau khoảng 15-20 giây. Bà Maria Krautwald Elisabeth - người đứng đầu dự án - cho biết họ hy vọng sẽ có thể trình bày kết quả nghiên cứu này cho Chính phủ Đức vào mùa hè năm 2017.

Trong khi đó tại Hà Lan, nhóm startup Ovo nêu ý tưởng phân tích chất lỏng allantoic trong trứng gà. Họ dùng kim nhỏ để trích xuất một chút chất này rồi sử dụng máy quang phổ khối lượng làm bay hơi chất lỏng để tìm một phân tử đặc biệt.

Wouter Bruins - đồng sáng lập Ovo - không tiết lộ đó là phân tử gì, nhưng cho biết nó giúp xác định giới tính của gà với độ chính xác lên đến 95% chỉ sau 4 giây. Hiện Ovo đã hợp tác với 4 trại giống gà lớn nhất Hà Lan để triển khai phương pháp này.

Tại Mỹ, Công ty sản xuất trứng Vital Farms đã kết hợp với Công ty Novatrans của Israel để nghiên cứu cách xác định giới tính gà nhờ phân tích thành phần hoá học của các chất khí rò rỉ khỏi vỏ trứng.

“Chỉ hai ngày sau khi gà đẻ trứng, chúng tôi thu các chất khí và dựa vào một số phương pháp phân tích đặc biệt để xác định trứng sẽ nở ra gà trống, gà mái hay không thể nở. Tất cả chỉ trong vài giây. Chúng tôi hy vọng thương mại hóa phương pháp này vào đầu năm 2017” - Matt O’Hayer - Giám đốc điều hành Vital Farms - cho hay.

Nếu kế hoạch ứng dụng các phương pháp này khả thi và được triển khai đúng tiến độ, thế giới sẽ tránh được việc giết hại hàng triệu con gà trống ngay trong năm nay chứ không phải chờ đến năm 2020. “Rõ ràng việc tiêu hủy gà sẽ sớm trở thành quá khứ. Việc xóa bỏ cách thức dã man này sẽ mở ra một con đường tương lai nhân đạo hơn” - ông David Coman-Hidy - Giám đốc điều hành của The Humane League, tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ động vật tại Mỹ - cho biết.