Có thể hiểu theo nghĩa đen khi nói rằng rác thải điện tử là một mỏ vàng. Theo BBC, lượng vàng có trong 1 tấn iPhone cao hơn 300 lần so với trong 1 tấn quặng vàng.

Ngoài ra, các loại thiết bị điện tử cũ hỏng còn chứa nhiều vật liệu quý có thể thu hồi khác như kim loại (bạc, palladium, bạch kim, đồng, nhôm, sắt - thép), nhựa, thủy tinh, đất hiếm... Thế nhưng cũng chính những chiếc điện thoại, máy vi tính, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt... cũ hỏng đó lại đang là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sức khỏe con người bởi chưa được xử lý hiệu quả, trong khi lượng phát thải ngày càng khủng khiếp.


Theo thống kê của Công ty môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), Việt Nam thải ra gần 1,2 triệu chiếc tủ lạnh trong năm 2016, cao gấp 5 lần so với năm 2006. Dự tính đến năm 2020, con số này sẽ xấp xỉ 2,3 triệu chiếc. Với máy tính cá nhân, con số phát thải dự tính cho năm 2020 là 1,44 triệu chiếc, tăng 2 lần so với năm 2016 và 11 lần so với năm 2006.

Vậy lượng thiết bị điện tử đó là nguồn tài nguyên dồi dào hay núi rác khổng lồ? Nếu không có cách thu hồi, các vật liệu quý kể trên cũng chỉ là tiềm năng, trong khi những tác động nghiêm trọng cho môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người là sự thật hiện hữu. Kho báu và cạm bẫy - trong trường hợp này - là hai căn phòng kín liền nhau mà ở giữa là một cánh cửa xoay rất nặng. Chúng ta đang ở căn phòng của hiểm họa, mà chỉ sức mạnh của công nghệ mới có thể giúp chúng ta đẩy cánh cửa đó để kịp bước sang phía bên kia một cách an toàn.


Việt Nam hiện chưa thực sự có hoạt động tái chế rác thải điện tử. Theo các chuyên gia, cái khó nhất không phải là nghiên cứu hay làm chủ công nghệ mà là điều kiện và môi trường chính sách, kinh doanh để công nghệ đó được áp dụng. Trong khi Nhà nước chưa đủ tiền đầu tư một cách toàn diện và đồng bộ, mô hình xã hội hóa bị ngăn trở bởi các doanh nghiệp chưa nhìn thấy cái lợi của việc đầu tư công nghệ hiện đại cho quy trình xử lý, tái chế rác thải điện
tử thân thiện với môi trường.

Đến nay, các văn bản hình thành khung chính sách đặc thù về chất thải điện tử đã được ban hành như Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8/2013 về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ; thông tư 12/2011/ TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại, Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 80/2006/ND-CP. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để hình thành một hệ thống chính sách quản lý hiệu quả chất thải điện tử - từ phân loại đến thu gom, tái chế.

Một số chuyên gia, trong đó có tiến sỹ Nguyễn Đức Quảng - Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng Việt Nam nên ban hành luật về rác thải điện tử. Đây là điều Nhật Bản đã làm từ thập kỷ 1990 và để tạo sức mạnh tổng lực, quốc gia này còn ban hành Luật Tái chế đồ gia dụng và Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên không lâu sau đó. Kết quả, Nhật Bản không còn “sợ” rác mà thậm chí còn sang tận châu Âu để biến rác thành tiền.