1. Robot kho hàng:
Bao gồm hệ thống “tự động cất trữ và lấy ra” - ASRS (Automated Storage and Retriev System) và hệ thống“hàng tự tới người” - GTM (Goods to Man). Trong đó, giải pháp ASRS cho kho thông minh tự động là khả thi với điều kiện hiện tại của Việt Nam hơn.
ASRS thường sử dụng cho các kho thành phẩm hay nguyên liệu mà độ đồng đều khá cao, việc tự động hóa nhằm tăng năng suất và hiệu suất khai thác không gian trong khi giảm sự can thiệp của con người vì mục tiêu an ninh, an toàn, và hạn chế làm việc ngoài giờ,...
Các kho ASRS thường có độ cao trên 20 mét với số tầng kệ chứa hàng lên tới 20-25 tầng. Vận hành bằng robot ASRS. Tại Việt Nam các nhà cung cấp ARSR không nhiều, hầu như chỉ có Công ty Schenker của Đức có văn phòng đại diện và mới có một dự án lớn với Vinamilk tại Bình Dương. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp lớn như Vin Group, Hoàng Anh Gia Lai hay Thế Giới Di Động đầu tư vào nông nghiệp sạch, công nghệ cao, mô hình này hoàn toàn có thể được nhân rộng.
Kho thông minh, ứng dụng “tự động cất trữ và lấy ra” ASRS.
2. Trung tâm soạn hàng tự động:
Khi số lượng đơn hàng lớn, đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh thì năng suất và độ chính xác khi làm việc soạn (chia, chọn, phân loại) hàng bằng tay theo kiểu bán tự động với mã vạch để kiểm soát sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc, do đó cần có các bộ chia chọn hàng tự động.
Thiết bị này được thiết kế theo dây chuyền dạng thẳng hay vòng tròn với một hay vài đầu vào và rất nhiều đầu ra là các điểm đến cuối cùng hay các nhóm hàng cần phân loại. Nó có thể chia chọn các loại hàng phổ biến như bưu kiện, hộp, thùng, gói hàng không định hình. Khối lượng được thiết kế trung bình không quá 20 kg/kiện. Năng suất trung bình dao động tuỳ thuộc nhu cầu sử dụng, có thể từ 1.500 tới 6.000 kiện hàng/giờ; loại công suất lớn có thể tới 18.000 kiện/giờ. Các tuyến vận tải có thể gồm đường bộ, hàng không, đa phương thức.
Các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vận tải, giao hàng thương mại điện tử, trong đó có nông nghiệp, là đối tượng phù hợp để sử dụng các hệ thống này, tuy nhiên một trong các khó khăn là nhà cung cấp thường không hoàn toàn nắm vững quy trình kinh doanh của người làm logistics, ngược lại người làm logistics thì không nắm về tự động hóa và IoT.
3. Thực tế tăng cường / thực tế ảo:
Thực tế tăng cường / thực tế ảo (augmented reality - AR) là công nghệ tích hợp những thông tin vào như âm thanh, video, đồ họa hoặc dữ liệu GPS từ máy tính tới cái nhìn thực tế của người sử dụng. AR đang nhanh chóng trở thành công nghệ quan trọng, giúp kết nối thế giới thực và ảo. Trong logistics, công nghệ này có thể giúp công nhân nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó thời gian làm hàng được đẩy nhanh hơn.
Lợi ích của AR bao gồm hiệu quả cao hơn, giảm thiểu sai sót, giảm việc huấn luyện và sử dụng nhân lực tối ưu. Tuy nhiên vẫn có vài vấn đề kỹ thuật như hiệu suất, tuổi thọ pin, kích thước và khối lượng, nhưng các nhà phân tích cho rằng những rào cản kỹ thuật này sẽ được giải quyết trong một vài năm tới.
4. Giao hàng theo yêu cầu:
Học hỏi mô hình của Uber, các doanh nghiệp hay đơn vị thực hiện chức năng giao hàng sẽ phát triển ứng dụng điện thoại thông minh để kết nối khách hàng với những nhà cung cấp ở ngay gần nhất.
Việc giao hàng nhanh kết hợp sự tiện lợi của ứng dụng đặt hàng từ bất cứ đâu và sự sẵn có của hàng hóa ở những cửa hàng bán lẻ truyền thống (như chuỗi cửa hàng của VinMart, Sói Biển, Thế giới Di Động, Aeon, Ministop, ...).
Những lợi ích do sự thuận tiện, thời gian giao hàng nhanh và chi phí thấp khiến mô hình này trở nên rất khả thi, là mô hình bán lẻ của tương lai và đang dần được khách hàng đón nhận.
5. Phân phối đa kênh
Phân phối đa kênh (omni-channel) là cách tiếp cận giúp cung cấp trải nghiệm mua sắm thông suốt cho khách hàng, dù khách hàng mua sắm online trên điện thoại, máy tính hay trực tiếp tới tận cửa hàng thực tế.
Trải nghiệm khách hàng của phân phối đa kênh có sự tích hợp giữa nhiều kênh, ví dụ, đại diện chăm sóc khách hàng tại cửa hàng có thể tham khảo ngay lập tức lần mua trước của khách hàng cũng như đại diện chăm sóc khách hàng qua điện thoại hay webchat. Hoặc người dùng trên máy tính có thể kiểm tra hàng tồn tại cửa hàng trên website công ty và mua hàng qua điện thoại hoặc qua địa điểm đã chọn sẵn. Đây hoàn toàn là giải pháp công nghệ và các lập trình viên có thể cải tiến, thêm vào chức năng này cho các website thương mại điện tử bán hàng nông nghiệp.
Tài liệu tham khảo: Báo cáo Logistics Việt Nam 2017