Nếu như trước đây, UAV (thiết bị bay không người lái) chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực quân sự thì ngày nay với tính ưu việt của nó, UAV đã và đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng, trong tương lai gần, thị trường UAV Việt Nam sẽ khá nhộn nhịp và sôi động.
Phát triển công nghệ UAV
UAV (Unmanned Aerial Vehicle) là thiết bị bay không người lái, có động cơ, bay trong khí quyển nhờ cánh nâng. UAV có thể được điều khiển tự động nhờ các thiết bị lắp đặt trên UAV và các thiết bị bổ trợ bên ngoài. UAV thường được ứng dụng dưới dạng tổ hợp. Mỗi tổ hợp UAV thường bao gồm một hoặc một số UAV và một trạm điều khiển mặt đất. Ngoài ra, có thể có thêm một số trạm thu xách tay để thu thông tin từ UAV truyền về.
So với thiết bị bay có người lái, UAV có nhiều ưu điểm vượt trội: Chi phí thấp cho nghiên cứu phát triển, chế tạo, vận hành và bảo đảm kỹ thuật; không cần phi công điều khiển trực tiếp, do đó giảm thiểu chi phí đào tạo và chi phí bảo đảm an toàn cho phi công; UAV có thể hoạt động liên tục trong nhiều giờ, hoạt động ở các địa hình phức tạp, nguy hiểm và trong các trường hợp khẩn cấp mà không bị hạn chế bởi các yếu tố tâm sinh lý của phi công...
Hệ thống cất hạ cánh của UAV cũng khá đơn giản. UAV có thể cất cánh bằng phương pháp chạy đà trên đường băng; cất cánh thẳng đứng hoặc thông qua các thiết bị phóng. UAV có thể hạ cánh xuống đường băng, hạ cánh thẳng đứng hoặc có thể dùng thiết bị thu hồi bằng dù hoặc lưới. Phương pháp điều khiển UAV cũng khá đa dạng. UAV có thể được điều khiển từ xa trực tiếp, gián tiếp hoặc theo chương trình.
Với những ưu điểm vượt trội, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, những năm gần đây, thế giới đang diễn ra sự phát triển bùng nổ về UAV. Không chỉ các nước có tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ như Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Israel... mà ngay cả các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Malaysia... cũng quan tâm, đầu tư nghiên cứu và liên tiếp công bố các mẫu UAV thế hệ mới. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, chế tạo UAV đã và đang được nhiều đơn vị đầu tư thực hiện. Ngay từ năm 1978, Viện Kỹ thuật Không quân (nay là Viện Kỹ thuật PK-KQ) đã có chương trình TL-1 định hướng nghiên cứu thiết kế và chế tạo các UAV thông tin quân sự theo mô hình máy bay Raely 220 của Pháp, phát triển thành UAV HL-1. Từ năm 2010, Viện Công nghệ không gian - HTI đã hợp tác với tập đoàn IrKut của Nga nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế chế tạo các UAV đa dụng. Và gần đây, HTI đã chính thức bay thử nghiệm 5 mẫu UAV với sự có mặt của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. 5 loại UAV đều được thiết kế chế độ điều khiển bay theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số và được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp cả ban ngày và ban đêm cùng các trang bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác. Trung tâm khí cụ bay, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel cũng đã phát triển mẫu UAV VT-patrol với sải cánh 3,3m, trọng lượng cất cánh 26kg, vận tốc từ 100 đến 150km/giờ, cự ly hoạt động 50km, trinh sát bằng camera quang hồng ngoại full HD nhận dạng và phân biệt mục tiêu trên cự ly 600m.
Đa dạng hoá khách hàng
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thị trường UAV trong lĩnh vực quân sự, các công ty quốc phòng của các nước cũng đang nỗ lực để đa dạng hóa cơ sở sản xuất UAV để lấn sang thị trường thương mại. Với Việt Nam, là một nước có biên giới trên biển, trên đất liền dài hàng chục ngàn km, 2/3 diện tích là vùng rừng núi, diện tích lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển khá rộng, nhu cầu sử dụng UAV để kiểm soát, cảnh giới và bảo vệ là rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng UAV trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng không hề nhỏ. Mới đây, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã mua UAV Altura Zenith ATX8 của hãng Aerialtronics (Hà Lan) để phục vụ công tác quản lý vận hành đường dây truyền tải 220kv và 500kv. Theo ông Trần Thanh Phong - Giám đốc PTC2, việc sử dụng UAV để kiểm tra đường dây truyền tải có nhiều ưu điểm: Kiểm tra nhanh và chính xác toàn bộ thiết bị, phụ kiện trên cao, hạn chế việc trèo cao của công nhân, hạn chế việc di chuyển thủ công đến các vị trí, nhất là các vị trí nằm trên đồi núi cao, hiểm trở.
Trong tương lai gần, UAV có thể được sử dụng rộng rãi cho đa dạng khách hàng. Ví như Cảnh sát biển, sử dụng UAV để giám sát thực thi pháp luật trên biển. Hải quan, Công an, sử dụng UAV để chống buôn lậu, chống tội phạm, giám sát giao thông trên bộ. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm-cứu nạn, sử dụng UAV để tìm kiếm trên biển hoặc ở những vùng hiểm trở. Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, sử dụng UAV để quan sát trực tiếp các vùng bị thiên tai, đánh giá thiệt hại thực tế, trên cơ sở đó có kế hoạch trợ giúp kịp thời. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sử dụng UAV để phục vụ công tác phòng chống phá rừng, cháy rừng, kiểm tra các rừng cà phê, rừng cao su, các cánh đồng rộng lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường, sử dụng UAV phục vụ công tác điều tra, quy hoạch sử dụng đất, tìm kiếm tài nguyên trên. Bộ Giao thông Vận tải, sử dụng UAV để trợ giúp việc lập dự án làm cầu đường, nhất là ở vùng rừng núi...
Có thể thấy rằng, việc sử dụng UAV trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội sẽ đem lại lợi ích cao và là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Và như vậy, thị trường UAV Việt Nam sẽ nhộn nhịp và sôi động trong tương lai không xa.