Kết quả nghiên cứu của một dự án được Liên minh châu Âu tài trợ cho thấy, khoảng 276.000-338.000 tấn cá ngừ ở Thái Bình Dương đã được đánh bắt trái phép hằng năm.
Tổng giá trị của số cá kể trên ở thị trường chợ đen là 616 triệu USD. Nếu được đánh bắt và tiêu thụ như bình thường, số tiền thu về có thể lên tới 740 triệu USD.
Thái Bình Dương cung cấp 60% sản lượng cá ngừ trên thế giới. Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm đánh giá tác động của việc đánh bắt cá trái phép.
Ông James Movick - Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát việc đánh bắt cá ngừ lớn nhất thế giới (FFA) - một tổ chức được 17 quốc gia thành lập nhằm điều chỉnh việc đánh bắt cá ở Thái Bình Dương - cho biết: “Số tiền thiệt hại từ việc đánh bắt cá ngừ trái phép lên tới 616 triệu USD khiến tất cả phải sốc”.
Theo ông Movick, nghiên cứu này sẽ giúp các FFA có thêm cơ sở để đấu tranh nhằm giải quyết nạn đánh bắt cá bất hợp pháp thời gian qua.
Báo cáo cho thấy, phần lớn hành động đánh bắt cá bất hợp pháp thực hiện bởi các tàu thuyền được phép hoạt động tại Thái Bình Dương. Những tàu này không báo cáo về số lượng hải sản họ đánh bắt được rồi chuyển sang một tàu khác nhằm tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Các chiến lược thuộc Viện Chính sách Australia (ASPI) cho biết, sản lượng đánh bắt cá ngừ từ miền trung và tây Thái Bình Dương trị giá 5,8 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, hiện nguồn tài nguyên này đang chịu áp lực lớn từ nhiều yếu tố như khai thác quá mức, tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu.
Lê Mai (Theo Phys)