Từ mùa hè này, du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã có thể tay không đến mua hàng tại các siêu thị. Đó là nhờ kế hoạch thử nghiệm một hệ thống thanh toán bằng dấu vân tay của Chính phủ Nhật Bản.
Công nghệ thanh toán đầy hứa hẹn
Thanh toán bằng vân tay không phải là ý tưởng mới trên thế giới. Ngay từ năm 2001, nhiều hãng bán lẻ tại Mỹ đã tạo điều kiện để khách thanh toán bằng vân tay trong siêu thị.
Năm 2013, Công ty an ninh mạng Pháp Natural Security thử nghiệm chương trình thanh toán bằng vân tay tại 2 thành phố trong 6 tháng. Khách hàng mang theo một thẻ thanh toán chứa dữ liệu vân tay và một điện thoại di động để thẻ có thể kết nối với thiết bị thanh toán ở quầy thu ngân, nhưng không phải rút thẻ hay điện thoại ra khỏi túi mà chỉ việc ấn ngón tay. 94% số người tham gia nói rằng họ rất muốn hình thức thanh toán bằng vân tay trở nên phổ biến.
Một khảo sát do hãng WorldPay (Anh) thực hiện cho thấy số người tiêu dùng thích thanh toán bằng máy quét vân tay, mống mắt hoặc lòng bàn tay chiếm tỷ lệ lớn nhất: 49% muốn thanh toán bằng dữ liệu sinh trắc, 30% muốn thanh toán qua điện thoại di động.
Hy vọng thu hút 40 triệu du khách nước ngoài mỗi năm vào năm 2020 nhờ hệ thống thanh toán bằng vân tay - được coi là giải pháp vừa giúp ngăn chặn ý đồ xấu của bọn tội phạm, vừa giúp du khách không phải mang tiền mặt hoặc thẻ tín dụng, Chính phủ Nhật đang thử nghiệm hệ thống này. Nhật đặt mục tiêu vận hành hệ thống thanh toán bằng vân tay khi Thế vận hội Tokyo 2020 và Paralympic Games 2020 diễn ra.
Các thử nghiệm ở Nhật Bản
Trong quá trình thử nghiệm hệ thống ở Nhật Bản, du khách cần đăng ký dấu vân tay và các dữ liệu như thông tin về thẻ tín dụng tại các sân bay và nhiều nơi khác. Sau khi đăng ký, họ có thể làm thủ tục miễn trừ thuế và mua sắm bằng cách đặt hai ngón tay lên thiết bị đặc biệt ở cửa hàng, siêu thị.
Luật về lưu trú của Nhật yêu cầu du khách trình hộ chiếu khi thuê phòng. Chính phủ cũng muốn thay thế thủ tục này bằng thao tác quét dấu vân tay.
Có 300 cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh tham gia thử nghiệm, tọa lạc ở những khu vực du khách nước ngoài ưa chuộng như các thành phố Hakone, Kamakura, Yugawara ở tỉnh Kanagawa và thành phố Atami ở tỉnh Shizuoka. Chính phủ sẽ mở rộng dần thử nghiệm trong khoảng thời gian từ nay tới mùa xuân 2017 để dịch vụ có thể xuất hiện ở những điểm du lịch vùng Tohoku và thành phố Nagoya. Mục tiêu là cả nước sẽ sử dụng hệ thống vào năm 2020.
Một cơ quan thuộc chính phủ sẽ quản lý dữ liệu liên quan đến cách thức và địa điểm du khách nước ngoài sử dụng hệ thống thanh toán bằng vân tay sau khi dữ liệu được chuyển đổi sang dạng nặc danh. Sau khi phân tích lộ trình và thói quen chi tiêu của du khách, chính phủ sẽ sử dụng dữ liệu để vạch ra các chính sách và chiến lược quản lý ngành du lịch.
Do sẽ có nhiều du khách lo ngại, không thoải mái khi cung cấp thông tin cá nhân như vân tay, nên trong quá trình thử nghiệm, các chuyên gia cũng tìm cách quản lý và bảo vệ thông tin cá nhân.
Tháng 10/2015, công viên giải trí Huis Ten Bosch ở tỉnh Nagasaki cũng đã thử nghiệm hệ thống thanh toán bằng vân tay tại khoảng 30 cửa hàng và nhà hàng. “Khách hàng - đặc biệt là những người mang theo trẻ con - rất thích hệ thống này, bởi nó giúp họ không phải rút ví” - một quản lý cho biết.
Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Aeon - có trụ sở tại thành phố Tokyo - đã trở thành ngân hàng đầu tiên ở Nhật Bản thử nghiệm một hệ thống để khách hàng có thể rút tiền mặt từ các máy ATM bằng cách nhận dạng qua vân tay. Nhờ đó, họ sẽ không phải mang theo thẻ ngân hàng mỗi khi ra khỏi nhà.
Chưa an toàn tuyệt đối
Một quản lý của Ngân hàng Aeon cho rằng ưu điểm của hệ thống thanh toán bằng vân tay là nâng mức độ an toàn cho người sử dụng, chẳng hạn như ngăn chặn nguy cơ kẻ xấu làm thẻ giả hoặc giả danh khách hàng để rút tiền.
Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù vân tay là dấu hiệu riêng của mỗi cá nhân nhưng nó không phải là biện pháp an toàn nhất để xác định danh tính con người.
“Lấy cắp dữ liệu sinh trắc là việc dễ. Bạn để lại dấu tay ở mọi nơi mà bạn chạm tay vào. Thông thường, tin tặc có thể sao chép dấu vân tay của con người từ những vật mà họ chạm vào, công bố chúng trên Internet” - Bruce Schneier - một nhà báo chuyên viết về an ninh mạng - nói với trang FastCoExist.
Bruce cho rằng việc sử dụng vân tay để xác thực những dữ liệu bí mật sẽ trở nên an toàn nhất nếu nó được kết hợp với biện pháp bảo mật khác như mật khẩu.
“Mật khẩu có thể thay đổi; nhưng nếu ai đó sao chép dấu vân tay của bạn, chắc chắn bạn sẽ không thể tránh khỏi rắc rối” - Bruce Schneier giải thích.