Giải thưởng mà 3 chàng trai mang về là số tiền mặt 50 triệu đồng, kinh phí đầu tư cho dự án lên tới 500 triệu đồng và một chuyến đi học tập và trải nghiệm tại Silicon Valley – vườn ươm khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Nhóm tác giả giải pháp Smart Water tới từ ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn ThảoDự án mà nhóm mang tới cuộc thi là Giải pháp giám sát chất lượng nước cho hộ gia đình kết hợp với thiết bị tự động tích hợp chỉ số nước tiêu dùng cho các nhà máy nước ở Việt Nam.
Đạt cho biết, hiện tại các nhà máy nước ở Việt Nam vẫn chưa tích hợp được một số công nghệ tự động hóa trong việc thu thập chỉ số nước tiêu thụ của các hộ gia đình hàng tháng, mà vẫn làm theo cách thủ công là tới từng nhà ghi số nước.
Giải pháp mà nhóm của Đạt đưa ra sẽ giải quyết vấn đề này bằng công nghệ IoT (Internet of Things – Mạng Internet kết nối vạn vật) – một khái niệm mới đang thu hút sự quan tâm chú ý của giới công nghệ.
Ngoài ra, nhóm Smart Water của 3 nam sinh còn cung cấp thiết bị tự động đo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.
Giải thích về cách thức hoạt động của hệ thống, Trương Phương Nam – một thành viên của nhóm – cho biết, thiết bị đo chất lượng nước sẽ được lắp đặt tại các bể chứa của nhà máy nước. Thiết bị này sẽ tự động đo chất lượng nước sinh hoạt và gửi lên trên website. Người dùng có thể truy cập web thông qua các thiết bị cá nhân như máy tính, smartphone.
Còn với thiết bị tự động thu thập dữ liệu chỉ số nước, tại mỗi hộ dân sẽ được triển khai lắp đặt các đồng hồ nước điện tử. Thiết bị này được kết nối với một điểm truy cập Internet để truyền tải các dữ liệu thu thập được của các hộ dân lên trên website.
Như vậy, website sẽ là nơi chứa tất cả các thông số về chất lượng nước, dữ liệu chỉ số nước, sau đó tự động trích xuất ra các hóa đơn online hàng tháng. Khách hàng có thể truy cập website để theo dõi toàn bộ thông tin về nước sử dụng ở hộ gia đình mình. Ngoài ra, để đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng, website cũng tích hợp các phương thức thanh toán online.
“Đối tượng khách hàng của bọn em là cả các nhà máy nước và hộ gia đình. Các nhà máy nước sẽ là người trả chi phí cho đồng hồ điện tử và hệ thống cung cấp chỉ số nước, trong khi hộ gia đình sẽ trả phí cho thiết bị đo chất lượng nước nếu họ có nhu cầu sử dụng” – Đạt cho biết.
Theo chia sẻ của Nam, giải pháp Smart Water đã từng được mang đi cuộc thi của Texas Instruments – một tập đoàn sản xuất linh kiện của Mỹ và đạt giải ba toàn quốc. Tuy nhiên, cuộc thi này nghiêng về đánh giá về mặt kỹ thuật, trong khi cả nhóm hiện đang muốn dần đưa sản phẩm ra thị trường nên muốn tham gia một cuộc thi mang tính khởi nghiệp.
Hiện tại, bộ sản phẩm của nhóm đã được giới thiệu tại các triển lãm khoa học công nghệ và nhận được những phản hồi tích cực từ người xem. “Bọn em mới chỉ đang lắp đặt thử nghiệm tại nhà thầy giáo, cũng là người đã hướng dẫn bọn em thực hiện đề tài này”.
Đạt xúc động khi nói về thầy Vũ Chiến Thắng – giảng viên khoa Công nghệ Điện tử viễn thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Thái Nguyên - ngay sau khi nhận giải thưởng: “Thầy Thắng là người thầy mà em đã theo từ năm thứ nhất, thứ hai. Thầy là người dẫn bước em trong hầu hết các dự án, thiết bị mà em từng làm. Sự dìu dắt, động viên và những lời khuyên của thầy đều vô cùng đáng quý với bọn em. Thầy là một người thầy tuyệt vời. Em rất biết ơn thầy”.