Trẻ em dưới 3 tuổi dành quá nhiều thời gian nhìn vào thiết bị di động có thể bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc.
Đây là một trong rất nhiều những cảnh báo của Tiến sỹ Amanda Gummer, người sáng lập Fundamentally Children, một tổ chức cam kết giúp trẻ phát triển kỹ năng thông qua các trò chơi.
Theo bà Amanda Gummer, việc dành quá nhiều thời gian cho các màn hình thiết bị di động khiến quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ em đang bị cản trở. Bà Amanda Gummer cho biết cách tốt nhất để trẻ nhỏ phát triển trí tuệ cảm xúc chính là học cách chia sẻ, giao lưu với bạn bè.
Dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị di động có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, sự bùng nổ về việc sở hữu smartphone, máy tính bảng, những trò trơi đang hạn chế quá trình phát triển tự nhiên này.
Ngoài các thiết bị di động, bà Amanda Gummer cũng đề cập tới cái được gọi là nền văn hóa "Me, Now", tức việc trẻ em đang được bố mẹ bảo vệ một cách quá mức. Các ông bố, bà mẹ thời hiện đại cũng có chiều hướng không khuyến khích các em chịu trách nhiệm với những hành vi, cảm xúc của mình.
Cũng theo bà Amanda Gummer, việc thỏa mãn tức thì những nhu cầu của trẻ nhỏ có thể gây ra những tác động tiêu cực với trẻ nhỏ. Bởi một trong những yếu tố quan trọng nhất của quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ nhỏ là tính tự chủ, kiểm soát cuộc sống của các em.
Bà Amanda Gummer khẳng định trẻ nhỏ cần phải sở hữu điều này, nhất là trong xã hội hiện đại hiện nay, khi tình trạng bắt nạt hay những phát ngôn gây thù ghét đang lan tràn trên các mạng xã hội.
Cách tốt nhất để trẻ nhỏ phát triển trí tuệ cảm xúc chính là học cách chia sẻ, giao lưu với bạn bè (Ảnh: thedoctorweighsin.com).
Để làm được điều này, bà Amanda Gummer cho biết các bậc cha, mẹ có thể giúp con cái của mình kiểm soát được cuộc sống của các em ngay từ khi còn rất nhỏ. Như các bậc cha mẹ có thể giới hạn các lựa chọn để các em có thể đưa ra quyết định: Muốn đọc sách hay chơi với quả bóng? Khi lớn lên có thể để các em quyết định mặc áo mưa hay là mang ô.
"Trong quá trình phát triển, trẻ em cần được khuyến khích khám phá cảm xúc thay vì yêu cầu ngừng khóc cũng như những hành xử khác", bà Amanda Gummer cho biết.