Mio, một startup thương mại trên nền tảng xã hội tập trung vào các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn Việt Nam, vừa gọi được 1 triệu USD trong vòng đầu tư hạt giống do Venturra Discovery và Golden Gate Ventures dẫn dắt.
Mio hiện có hàng trăm đại lý, hay còn gọi là đối tác bán hàng, chủ yếu là phụ nữ từ 25 đến 35 tuổi sống ở các thành phố nhỏ hoặc khu vực nông thôn. Ảnh: Mio
Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng nhất Đông Nam Á, nhưng các nền tảng lớn chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Điều này đồng nghĩa với việc người dân ở các thành phố nhỏ hoặc nông thôn phải tốn nhiều thời gian để chờ đợi hàng giao đến. Startup thương mại dựa trên nền tảng xã hội Mio đã tận dụng điều này bằng cách xây dựng mạng lưới đối tác bán hàng và cơ sở hạ tầng hậu cần để có thể cung cấp dịch vụ giao hàng vào ngày hôm sau cho các khu vực.
Có thể hiểu thương mại trên nền tảng xã hội (Social Commerce) là một phần của thương mại điện tử, sử dụng các trang mạng xã hội để hỗ trợ việc mua bán sản phẩm. Đây được xem là một mô hình kinh doanh mới đầy tiềm năng, giúp cá nhân hóa khách hàng và gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Hôm nay, 21/5, Mio thông báo, họ đã huy động được 1 triệu USD trong vòng đầu tư hạt giống do Venturra Discovery và Golden Gate Ventures cùng dẫn đầu. Một số nhà đầu tư khác tham gia vào vòng này gồm iSeed SEA; giám đốc điều hành DoorDash – Gokul Rajaram; và Vidit Aatrey, đồng sáng lập của startup kỳ lân trong lĩnh vực thương mại trên nền tảng xã hội Ấn Độ Meesho – Sanjeev Barnwal.
Rajaram, Aatrey và Barnwal sẽ trở thành cố vấn cho những nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Mio Huỳnh Hữu Trung. Huỳnh Hữu Trung từng làm việc tại Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam. Những nhà đồng sáng lập khác bao gồm Phạm Hoàng An (đồng sáng lập startup Scommerce), Lê Anh Tú (cựu nhân sự Digipay), và Phạm Phi Long (từng đứng đầu mảng vận hành của Uber Việt Nam).
Vươn tới những nơi các nền tảng thương mại điện tử lớn chưa thống trị
Thành lập vào tháng 6/2020, Mio hiện có hàng trăm đại lý, hay còn gọi là đối tác bán hàng, chủ yếu là phụ nữ từ 25 đến 35 tuổi sống ở các thành phố nhỏ hoặc khu vực nông thôn. Phần lớn trong số họ quyết định trở thành đối tác bán hàng của Mio vì muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Khi một người đăng ký để trở thành đối tác bán hàng của Mio, họ sẽ phục vụ nhu cầu đi chợ cho cộng đồng khách hàng (thường là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm). Sau khi đã gom đơn xong, Mio sẽ soạn và đóng gói hàng, giao cho đối tác. Đối tác phụ trách giao hàng đến từng khách, hoặc gọi khách đến nhận hàng, sau đó thu tiền.
Mô hình thương mại dựa trên nền tảng xã hội phù hợp với họ, vì họ vốn đã quen với việc gom đơn đặt hàng theo nhóm với nhau. Mio cho biết, trung bình đối tác bán hàng kiếm được khoảng 200 đến 300 USD mỗi tháng. Số tiền này đến từ 10% hoa hồng cho mỗi đơn đặt hàng và hoa hồng dựa trên hiệu suất đơn hàng mà họ mang lại cho nền tảng mỗi tháng
Tương tự với Mio, ở châu Á đã có một số startup thương mại dựa trên nền tảng xã hội tận dụng sức mua của những khu vực nơi các nền tảng thương mại điện tử lớn chưa thể thống trị. Ví dụ, các thành phố nhỏ ở Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Pinduoduo, trong khi Meesho thì xây dựng được một mạng lưới phân phối trên khắp các tỉnh thành ở Ấn Độ; còn ở Indonesia thì có startup Super và Kitabeli, Philippines có Reselle.
Đội ngũ nhân sự của startup Mio. Ảnh: Mio
Công ty thương mại dựa trên nền tảng xã hội thường không yêu cầu đối tác bán hàng phải bán giúp hàng tồn kho. Thay vào đó, đối tác bán hàng chọn những mặt hàng họ muốn tiếp thị cho người mua của mình. Đối với trường hợp của Mio, hầu hết khách hàng của người đó là bạn bè, thành viên trong gia đình và hàng xóm. Họ gom đơn đặt hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hoặc Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam. Sau đó, họ đặt và quản lý đơn đặt hàng thông qua ứng dụng của Mio.
Để giải quyết những thách thức trong khâu giao hàng, Mio đang xây dựng hệ thống vận chuyển và hậu cần nội bộ, bao gồm một trung tâm phân phối mới ở Thủ Đức, có thể phân phối hàng hóa khắp TPHCM và 5 thành phố lân cận thuộc tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Huỳnh Hữu Trung cho biết Mio có thể xử lý hàng chục nghìn đơn hàng mỗi ngày tại trung tâm. Mio cũng có thể giao hàng vào ngày hôm sau cho các đơn hàng đặt từ trước 8 giờ tối.
Để giảm chi phí hậu cần và đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng, Mio giới hạn số lượng sản phẩm trong kho của mình. Công ty hiện tập trung vào các mặt hàng thực phẩm chủ lực, bao gồm sản phẩm tươi sống và thịt gia cầm, đồng thời có kế hoạch bổ sung hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ dùng vệ sinh,…) và thiết bị gia dụng, đặc biệt là hàng hóa nhãn trắng (white-label goods – được bán bởi các nhà bán lẻ có nhãn hiệu và logo riêng nhưng các sản phẩm được sản xuất bởi bên thứ ba) có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Với nguồn vốn mới vừa kêu gọi được, Mio dự định sẽ đầu tư vào trung tâm phân phối, tuyển dụng nhân sự phụ trách công nghệ và sản phẩm. Bên cạnh đó, họ có kế hoạch bổ sung các tính năng cá nhân hóa cho danh mục sản phẩm và đối tác bán hàng để họ có thể xây dựng bản sắc thương hiệu của riêng mình.
Nguồn: