Sáng 8/7,Hội thảo “Câu chuyện khởi nghiệp” do cơ quan đại diện phía Nam Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chứctại TP.HCM. Nhiều bạn trẻ đã tới tham dự buổi hội thảo và bày tỏ sự quan tâm với những câu chuyên về khởi nghiệp được chia sẻ.
Nhiều người cho rằng khởi nghiệp điện tử (startup online) được cho là “mảnh đất màu mỡ” với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp vì đây là lĩnh vực cần ít vốn, khả năng mở rộng cao, tự do…Tuy nhiên, theo Duy Vĩ, khởi nghiệp trong bất cứ một môi trường nào các startup cần phải nhìn nhận sâu sắc về lĩnh vực mình đang theo đuổi. Quan trọng nhất đó là phải nắm rõ đối tượng khách hàng của mình là ai, thị trường tiêu thụ của mình như thế nào.
Duy Vĩ cho rằng, khách hàng chính là nhân tố quyết định các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công hay thất bại.
Các chuyên gia về khởi nghiệp chia sẻ những trải nghiệm thực tế về con đường thành công của mình tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.
“Thương mại điện tử hiện nay đang gặp rất nhiều vấn đề về lòng tin của khách hàng. Cụ thể, thời gian qua có rất nhiều vụ việc lừa đảo trong hoạt động mua bán, trao đổi trên internet. Riêng trong lĩnh vực du lịch mà chúng tôi theo đuổi vẫn còn đó cái “dớp” về vụ việc hàng trăm khách du lịch bị “bỏ rơi” tại Thái Lan vào năm 2013. Vì thế, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ và khách hàng là những yếu tố hàng đầu cần phải chú ý đến”- Duy Vĩ nhìn nhận.
Mặt khác, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt trong thời đại hiện nay, không một lĩnh vực nào được cho là mới hoàn toàn để các startup có thể “độc quyền” thị trường. Vì thế, yếu tố quyết định chính là sự khác biệt để mang lại giá trị phục vụ cho khách hàng.
Duy Vĩ nêu ví dụ, để cạnh tranh với các “ông lớn” trong lĩnh vực du lịch, Tugo của Vĩ đã chấp nhận mạo hiểm. Tugo tự bỏ tiền túi hàng tỉ đồng để xây dựng thương hiệu dựa trên tôn chỉ phục vụ “Dịch vụ du lịch có chất lượng tốt và giá thành rẻ. Khách hàng không hài lòng sẽ được hoàn lại số tiền bỏ ra”.
“Để khách hàng cho mình cơ hội chứng minh chất lượng phục vụ không còn cách nào khác chính mình phải là người hi sinh vì họ. Khi đã dành được lòng tin từ khách hàng thì cái mình có được là rất lớn”- Duy Vĩ nói.
Một trong những lợi thế đó, theo đồng sáng lập Tugo, khách hàng chính là đối tượng bảo chứng (bảo đảm bằng chứng cứ, thực tế) cho startup. Cụ thể, khi khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và có những đánh giá tốt, họ sẽ truyền tai nhau về trải nghiệm đó thông qua những kênh tương tác.
Từ đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ mở rộng được lượng khách hàng bằng chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, startup sẽ “giữ chân” được khách hàng thân thiết. Hơn thế nữa, trong những trường hợp các đối thủ cạnh tranh tìm cách hạ uy tín, thương hiệu thì khách hàng chính là người bảo vệ cho doanh nghiệp.
“Các startup phải xây dựng cho mình một công cụ tương tác với khách hàng để xây dựng lòng tin, mở rộng thị trường và bảo vệ mình trước những “trục trặc” từ đối thủ cạnh tranh” - Duy Vũ nói.
Hội thảo dành được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thế An.
Chuyên gia Nguyễn Tố Linh cũng nhìn nhận, để startup phát triển và thành công bền vững, yếu tố chất lượng sản phẩm, dịch vụ và khác biệt là điều phải luôn duy trì. Ngoài ra, trong quá trình khởi nghiệp chi phí marketing là rất lớn.Khi đã tìm được một khách hàng và thuyết phục họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tuy nhiênsau đó không làm họ quay trở lại. Và khi ấy,startup phải tốn chi phí martketing để tìm khách hàng khác, coi như làm lại từ đầu.
“Vì vậy “giữ chân” khách hàng và lan tỏa thị trường bằng chất lượng, bằng sự khác biệt chính là yếu tố thành công mà mỗi startup phải duy trì” - bà Linh nhấn mạnh.