Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, nước này muốn có một lực lượng hùng hậu các chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ 5 vào năm 2030. Trong đầu tháng 7, quá trình đấu thầu cho hợp đồng khổng lồ trị giá 40 tỉ USD sẽ được kích hoạt.


Tokyo sẽ có những cuộc tiếp xúc với những nhà thầu nước ngoài ngay trong tuần sau, khi thời hạn 5/7, để các nhà thầu phát đi những tín hiệu quan tâm. Dự kiến, hợp đồng sẽ được ký vào mùa hè năm 2018. Tới 2030, 100 tiêm kích mới sẽ phục vụ trong Không quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JASDF).

Theo một quan chức khác, JASDF sẽ có ba sự lựa chọn: phương án 1, phát triển một dòng máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không nội địa; phương án 2, hợp tác với nhà thầu nước ngoài để có giấy phép sản xuất máy bay mới; phương án 3, nhập khẩu hoàn toàn hoặc nâng cấp những phương tiện hiện có.

Nguyên mẫu X-2 số hiệu 001 đã có một số lần cất cánh thử nghiệm.
Nguyên mẫu X-2 số hiệu 001 đã có một số lần cất cánh thử nghiệm.

Với phương án đầu tiên: Cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần Nhật Bản thuộc Bộ Quốc phòng đã đề cập tới một dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang được thử nghiệm kỹ thuật, định danh là X-2 “Shinshin” (trước đây là ATD-X). Nó được phát triển bởi Mitsubishi Heavy Industries với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản. Nước này sẽ dùng khoảng thời gian 2 năm tới để cân nhắc, liệu có tiếp tục phát triển X-2 để sử dụng như một nguyên mẫu cơ sở cho cái gọi là Chương trình Chiến đấu cơ Tương lai (F-3). Dự kiến 50 chuyến bay thử nghiệm sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 1 năm từ 2016-2017. Cho đến nay, 39,4 tỉ yên (332 triệu USD) đã được đầu tư cho dự án.

Tập đoàn vũ khí khổng lồ Lockheed-Martin được cho là đóng một vai trò chưa xác định trong sự phát triển của X-2 và cũng có vẻ như, Tokyo sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho nhà thầu Mỹ nếu họ quyết định lựa chọn các phương án tiếp theo. Ở chiều ngược lại, Lockheed Martin cũng tuyên bố trên Flight Global về sự quan tâm thúc đẩy quan hệ đối tác lâu dài với quốc đảo Đông Á.

“Chúng tôi rất tự hào về quan hệ đối tác thành công với Nhật Bản trong chương trình F-35 và với Mitsubishi Heavy Industries trong chương trình F-2. Chúng tôi mong muốn có các cuộc trao đổi tiến bộ để được hiểu thêm về kế hoạch F-3 của Nhật Bản “.

Trong những năm 2000, Lockheed Martin có ý định bán F-22 Raptor cho Nhật nhưng chính quyền Mỹ không muốn chia sẻ át chủ bài này, giấy phép xuất khẩu bị từ chối cấp phép. Hệ quả là nền công nghiệp quốc phòng xứ Phù Tang khởi xướng chương trình X-2, hướng đến một tiêm kích thế hệ thứ 5 hai động cơ, tầm hoạt động rộng và khoang vũ khí bên trong thân.
Như một giải pháp tạm thời, năm 2011 Nhật Bản mua về 42 F-35 Lightning II Joint Strike, những chiếc đầu tiên sẽ có mặt trong biên chế JASDF vào cuối năm nay. Mặc dù dây chuyền sản xuất đã được cấp cho Mitsubishi nhưng một số công nghệ nhạy cảm nhất trên máy bay vẫn bị từ chối tiếp cận.

Hirofumi Doi, quan lý Chương trình Máy bay chiến đấu Tương lai chia sẻ “Với chương trình F-35, chúng tôi không được phép tiếp cận những công nghệ cao nhất mà Mỹ có”.

Một số nhà thầu tiềm năng khác là Boeing, Eurofighter và SAAB.