Đây là một doanh nghiệp Hàn Quốc chế tạo ra bình nước thông minh chuẩn bị qua giao lưu ở TP.HCM. Daniel Joo mời chị Phi Vân làm mentor (cố vấn đồng hành) và sẽ có mặt tại Việt Nam trong vài ngày sắp tới. Chị Phi Vân viết lên Facebook của mình: “Các startup Việt nghĩ sao?”
Còn chưa kịp nghĩ ra câu gì để trả lời thách thức của chị Phi Vân, thì lại nhận được email có cái tiêu đề khiêu khích khác: “Xin chào Việt Nam”.
Đó là thư của một chương trình tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu mang tên GSMA. Họ xây dựng một quỹ gọi là “GSMA Ecosystem Accelerator Innovation Fund” (tạm dịch: Quỹ đầu tư tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo trên hệ sinh thái GSMA”. Quỹ này cung cấp vốn và tài trợ kỹ thuật cũng như tạo cơ hội hợp tác với các nhà mạng di động trên thị trường cho một số doanh nghiệp mới thành lập ở châu Phi và châu Á Thái Bình Dương, giúp họ mở rộng qui mô sản phẩm và dịch vụ, trở thành doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng kinh tế.
Quỹ sẽ hỗ trợ các startup mới thành lập sẵn sàng làm việc với các nhà mạng di động. Quỹ không bắt buộc theo ngành và mở cửa cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp sử dụng điện thoại di động để giải quyết những thách thức ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và châu Phi.
Chị Nguyễn Phi Vân nói chuyện tại buổi ký kết ghi nhớ với các đối tác quốc tế của SIHUB. Ảnh: SIHUB
Họ giới thiệu Kaung Sitt, người đại diện của GSMA khu vực châu Á, chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển thị trường tại khu vực này. Ông xây dựng và phát triển mối quan hệ với các nhà mạng di động cũng như startup mới thành lập ở phía Nam và Đông Nam Á và các startup Ecosystem Accelerator sẽ được tài trợ thông qua the Innovation Fund.
“Ông rất hứng thú biết thêm về hệ sinh thái startup ở Việt Nam và về BẠN, những người có thể quan tâm đến chương trình tăng tốc này” – họ gửi thư, bằng tiếng Việt, và chữ “bạn” được viết hoa toàn bộ, như một sự trọng thị đáng kể những startup Việt. Ông này cũng vô cùng hăng hái, đi khắp nơi từ Bắc tới Nam để gặp các công ty khởi nghiệp muốn phát triển trên hệ thống di động của toàn khu vực.
Chợt nghĩ, đã tới lúc các đơn vị làm khởi nghiệp nước ngoài tăng tốc “càn quét” thị trường startup Việt Nam, thì email lại kêu cái “teng”, báo có thư mới.
Đó là một đơn vị tư vấn thành lập doanh nghiệp ở Singapore, gửi email rất chi tiết, chứng tỏ đã nghiên cứu đầy đủ về người nhận với nội dung: “Tôi muốn giúp bạn mở công ty ở Singapore mà không cần tốn vé máy bay sang đây, mọi thứ đều online, đơn giản, hoàn tất trong tối đa 5 ngày và sẵn sàng cho hành trình khởi nghiệp ra thế giới”. Trời ơi, có cần phải “quá nhanh quá nguy hiểm” như vậy không?
Tôi chuyển tiếp email này cho một số người quen, để hỏi thăm về kinh nghiệm “khởi nghiệp ở Singapore”, thì một anh bạn cười: “Singapore thì quen thuộc quá rồi. Mốt bây giờ là Đài Loan”. Rồi anh chuyển cho cái thư của một vườn ươm doanh nghiệp Đài Loan, đọc mà… hết hồn: “Mấy chục năm qua, Đài Loan luôn là trung tâm phát triển phần cứng và có một lịch sử đổi mới sáng tạo rất dày. Bởi vậy, chúng tôi rất hào hứng khi chọn con đường mới của mình là trở thành trung tâm phát triển toàn khu vực châu Á của những doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu. Vậy nên chúng tôi có nhiều chính sách đặc biệt để mời bạn tới Đài Loan và cùng chúng tôi khởi nghiệp. Vốn cũng có, nhân sự cũng có, chính sách hỗ trợ nhiều lắm. Hãy đầu tư bản thân bạn với chúng tôi…”.
Niềm an ủi duy nhất vào cuối tuần là ngồi xem đoạn công bố chiến lược toàn cầu của Saigon Innovation Hub, chị Phi Vân nói: “Một hệ sinh thái khởi nghiệp thường trải qua bốn giai đoạn mới có thể lớn mạnh và tạo ra nhiều startup có giá trị, hay tạo ra unicorn. Việt Nam cũng vậy mà thôi. Trong ba năm qua, chúng ta đang ở giai đoạn một của việc kích hoạt hệ sinh thái.
Đây là giai đoạn mà tôi hay gọi vui là giai đoạn tuyên truyền. Vì vậy, những người trẻ tuổi được truyền cảm hứng để startup, để xông lên và khởi nghiệp, rồi để thất bại, mà không hiểu tại sao.
Không sao. Tính chất của giai đoạn này là như thế, phải kích hoạt đã chứ. Nhưng tại thời điểm này, đã đến lúc chúng ta cần phải chuyển đổi sang giai đoạn thứ hai, cần phải thôi ngay chuyện tuyên truyền đi và tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho giai đoạn mới, giai đoạn toàn cầu hoá.
Đây là lúc TPHCM cần hướng ra thế giới, kết nối, đánh giá, định vị lại bản thân, học hỏi và hội nhập vào hệ sinh thái toàn cầu. Đó là lý do vì sao Saigon Innovation Hub đã xây dựng kế hoạch ba năm mang tên SiHub2020 - Hướng đến kết nối toàn cầu. Có bao nhiêu startup Việt sẽ được xem là sáng tạo trong vòng ba năm, năm năm nữa nhỉ? Trong khi startup nước ngoài trao đổi sang đây đều sáng tạo khủng và có bằng sáng chế. Bước ra, học hỏi, định vị lại mình để có một khởi đầu mới. Đó là điều người Việt nên làm”.