Công ty khởi nghiệp FlyFeed sẽ dùng số tiền này để mở một trang trại côn trùng quy mô công nghiệp tại Đồng Tháp, nơi sẽ sản xuất protein, axit béo và phân bón từ côn trùng với giá cả phải chăng.

Arseniy Olkhovskiy, CEO and founder of FlyFeed. Image Credits: FlyFe
Arseniy Olkhovskiy, CEO, nhà sáng lập startup FlyFeed có trụ sở ở Estonia. Ảnh: FlyFeed

FlyFeed - công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Estonia đang hướng tới việc sử dụng côn trùng để chuyển đổi chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu - vừa hoàn tất vòng hạt giống trị giá 3 triệu euro, chỉ một năm sau khi startup được thành lập. Nguồn vốn này chủ yếu do các nhà đầu tư thiên thần đầu tư.

Tận dụng côn trùng để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực

Theo FlyFeed, côn trùng tuy “nhỏ nhưng có võ", chúng sẽ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bước đầu, từ nguyên liệu ruồi lính đen, FlyFeed sẽ sản xuất protein, axit béo làm thức ăn cho vật nuôi và sản xuất phân bón cho cây trồng; và trong tương lai, họ sẽ chế biến các loại côn trùng làm thực phẩm cho con người.

“Năm 2021, các nhà đầu tư trên thế giới đã rót 5 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, nhằm giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên - vốn đang dần cạn kiệt”, Arseniy Olkhovskiy cho biết. Hiện tại anh đảm nhận vị trí CEO của công ty.

Protein từ côn trùng là một giải pháp hiệu quả có thể biến đổi nguồn tài nguyên không ăn được thành protein bổ dưỡng. “Chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và được chính quyền địa phương tại Việt Nam phê duyệt. Nếu trang trại đầu tiên thành công, chúng tôi sẽ mở thêm 10 trang trại ở châu Á và châu Phi vào năm 202, hướng đến mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.”

Công ty đã phát triển một quy trình sản xuất sử dụng phụ phẩm hữu cơ làm thức ăn cho côn trùng, giảm giá thành cuối cùng của protein sản xuất và giúp chính quyền địa phương giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm.

g
Đại diện startup FlyFeed trình bày với UBND tỉnh Đồng Tháp về dự án nuôi ruồi lính đen xử lý phế phẩm nông nghiệp trong một cuộc họp vào tháng 6/2022. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Cụ thể, trang trại tại Đồng Tháp sẽ có tổng diện tích khoảng 20.000m2, sản xuất hơn 17,5 nghìn tấn sản phẩm côn trùng mỗi năm, gồm mỡ côn trùng, bột đạm và phân bón.

Tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ FlyFeed đất để xây dựng trang trại; đổi lại, công ty cam kết xử lý tới 40 nghìn tấn phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp mỗi năm (chẳng hạn như trái cây, rau, cà phê và ngũ cốc), đồng thời mang lại cơ hội việc làm cho 200 nhân công trong khu vực.

FlyFeed đã ký trước hợp đồng trị giá 10 triệu euro với các nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu châu Âu

Quy trình hiện đại khép kín đạt chuẩn EU

Dự án hoạt động theo quy trình khép kín từ khâu nhập nguyên liệu, nuôi ruồi lính đen đến tạo ra sản phẩm protein, chitine, axit béo và các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, phân bón. Thiết bị sử dụng nhập từ châu Âu. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học, đảm bảo nước thải ra môi trường là nước sạch có thể tái sử dụng.

“Nhà máy trong trang trại sẽ được trang bị các thiết bị công nghệ hàng đầu để quản lý toàn bộ hoạt động, vòng đời của ruồi lính đen, và kiểm soát các điều kiện như nhiệt độ”, Tiến sĩ Nathalie Berezina, Giám đốc Công nghệ của FlyFeed, chuyên gia trong lĩnh vực hoá học hữu cơ và công nghệ sinh học, cho hay.

Trong quá trình xây dựng trang trại tại Đồng Tháp cho đến khi đi vào hoạt động, FlyFeed cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU và các biện pháp an toàn trong từng giai đoạn sản xuất - điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm của họ sẽ sẵn sàng để xuất khẩu qua thị trường châu Âu. Theo dự tính, họ sẽ sản xuất bột côn trùng làm thực phẩm cho người vào năm 2027.

Công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp FlyFeed được thành lập vào tháng 11/2021, có trụ sở tại Tallinn, Estonia. Trước khi sáng lập FlyFeed, Arseniy Olkhovskiy từng là Trưởng phòng Tăng trưởng tại LegionFarm - công ty do Ngân hàng Silicon Valley, quỹ đầu tư TMT tài trợ.

FlyFeed không phải là công ty tiên phong trong lĩnh vực này tại Đông Nam Á. Trước đó, công ty Insectta có trụ sở tại Singapore đã nuôi ruồi lính đen theo phương pháp không chất thải. Họ tận dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho giòi ruồi lính đen. Chất bài tiết từ giòi có thể được chuyển thành phân bón nông nghiệp. Insectta cũng đã tìm ra cách xử lý lớp vỏ của ruồi lính đen thành một nguồn nguyên liệu sinh học bền vững trong nhiều loại dược phẩm và mỹ phẩm.

Nhu cầu thực phẩm ở các nước châu Á sẽ tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ tới. Theo báo cáo “Thách thức thực phẩm châu Á: Hiểu người tiêu dùng châu Á thời kỳ mới”, đến năm 2030, người tiêu dùng châu Á sẽ chi 4,4 nghìn tỷ USD cho thực phẩm - tăng 2,4 nghìn tỷ USD so với hiện tại. Trong đó, Đông Nam Á dự kiến là một trong những khu vực chi tiêu nhiều nhất châu lục, tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm (CAGR) của khu vực này là 4,7%. Đây chính là động lực để các nhà khởi nghiệp về công nghệ thực phẩm và nông nghiệp phát triển các giải pháp thay thế protein.


Nguồn: