Tép Bạc muốn huy động lượng vốn lớn trong vòng gọi vốn sắp tới để đầu tư vào các công nghệ mới và tiến quân vào mang kinh doanh thương mại điện tử.

Máy cho ăn và thiết bị điều khiển từ xa tại trang trại. Ảnh: Tép Bạc/Farmext
Máy cho ăn và thiết bị điều khiển từ xa tại trang trại. Ảnh: Tép Bạc/Farmext

Tép Bạc, startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thủy sản có trụ sở tại TPHCM, đang muốn huy động từ 10 - 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới, theo chia sẻ của nhà sáng lập Trần Duy Phong trên TechInAsia hồi cuối tháng Tư.

Nguồn vốn mới dự kiến sẽ giúp Tép Bạc đầu tư vào các công nghệ mới và tiến vào mảng kinh doanh thương mại điện tử.

Tép Bạc đang tạo ra mô hình đầu tư công nghệ nuôi tôm kiểu mẫu cho các chủ nuôi tham khảo. Ước tính chi phí đầu tư chỉ chiếm khoảng 50% doanh thu bán tôm, thấp hơn khoảng 20% so với hình thức thông thường với thời gian xây dựng tương đương.

Ngoài ra, startup này còn muốn cải thiện sàn thương mại điện tử B2B, kết nối các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp với chủ nuôi tôm. Hiện có khoảng 30.000 người sử dụng hệ sinh thái của Tép Bạc. Công ty đóng vai trò kết nối và xây dựng hạ tầng giao nhận.

Thành lập năm 2012, ban đầu Tép Bạc chỉ là một website kết hợp diễn đàn chia sẻ thông tin, nơi người nông dân có thể chia sẻ các thông tin về thực hành nuôi tôm, cá và các ứng dụng khoa học-công nghệ.

Dần dần, hoạt động kinh doanh của Tép Bạc đã trở nên đa dạng hơn. Năm 2021, họ ra mắt ra phần mềm quản lý trang trại gọi là Farmext để giúp người nông dân có thể quản lý trang trại từ xa. Phần mềm này, kết hợp với các thiết bị quan trắc môi trường nước IoT do công ty chế tạo (Envisor), sẽ đo các thông số quan trọng như chất lượng nước, nồng độ oxy, nhiệt độ, độ mặn, chỉ số oxy hóa khử ORP v.v trong ao 5 phút/lần rồi gửi về ứng dụng. Ngoài ra họ còn có các máy cho ăn Feeder, có thể hẹn giờ hoặc điều khiển việc cho ăn từ xa, tránh lãng phí thức ăn.

Phòng xét nghiệm thứ 4 của Tép Bạc mới khai trương tại huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu. hồi tháng 3. Ảnh: Tép bạc/Farmext
Phòng xét nghiệm thứ 4 mới khai trương tại huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu hồi tháng 3. Ảnh: Tép Bạc/Farmext

Dựa trên cộng đồng của mình, Tép Bạc đã tạo ra một sàn thông tin đơn giản cho phép người dân báo giá và khối lượng thủy hải sản mà mình có thể cung cấp theo ngày, tạo điều kiện kết nối giữa người nông dân và công ty thu mua, chế biến, xuất khẩu. Họ cũng vận hành một sàn thương mại điện tử B2B về vật tư nông nghiệp (Farmext eShop) từ năm 2021.

Bên cạnh đó, Tép Bạc duy trì một mạng lưới các phòng thí nghiệm nuôi trồng thủy sản để cung cấp các dịch vụ như xét nghiệm tầm soát bệnh tôm.

Công ty cho biết đang phục vụ 5.000 ao nuôi tôm, chủ yếu ở ba tỉnh phía nam Long An, Cà Mau và Bạc Liêu. Doanh thu năm 2023 của startup ước tính hơn 10 tỷ đồng. Công ty cung cấp gói thiết bị IoT với giá khoảng 70 triệu đồng và phí đăng ký Farmext khoảng 1,8 triệu đồng/năm.

"Trong năm năm tới, mục tiêu của Tép Bạc là 80% người nuôi tôm, cá ở Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch mở rộng giải pháp của mình sang Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia," ông Trần Duy Phong nói.

Tép Bạc là một trong những startup công nghệ thủy sản tiên phong ở Việt Nam. Ảnh: Tép Bạc/Farmext
Tép Bạc là một trong những startup công nghệ thủy sản tiên phong ở Việt Nam. Ảnh: Tép Bạc/Farmext

Tép Bạc mô phỏng mô hình kinh doanh của eFishery - startup vừa trở thành kỳ lân của Indonesia và là công ty khởi nghiệp đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Cả hai nước đều có ngành nuôi trồng thủy sản tương đối lớn.

Cho đến nay, Tép Bạc mới huy động được tổng cộng 2,3 triệu USD cho hai vòng gọi vốn hạt giống và tiền hạt giống hồi năm 2022-2023.

So với eFishery thành lập cùng thời gian nhưng đã gọi được hơn 340 triệu USD, đó là con số khiêm tốn. Tuy nhiên, cả hai công ty đều có chung nhà đầu tư giai đoạn đầu là Aqua-Spark.

"Những người đồng sáng lập Tép Bạc đã có thể xây dựng mối quan hệ sâu rộng với cộng đồng nông hộ nhỏ Việt Nam trong 12 năm qua thông qua nền tảng truyền thông của họ. Điều này mang lại cho họ một lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường", Maria Velkova, giám đốc đầu tư Aqua-Spark và là thành viên hội đồng quản trị của Tép Bạc, cho biết.