Với SoBanHang, chỉ cần chiếc điện thoại, người bán hàng có thể chủ động tiếp cận khách hàng, nâng cao doanh số, quản lý thu chi, công nợ một cách dễ dàng bằng những cái chạm tay vào màn hình.
Trên App Store, khi đánh giá 5 sao cho ứng dụng SoBanHang, một khách hàng viết: “Ứng dụng này với cá nhân mình cảm thấy rất tiện ích, tích hợp đủ những gì mà một shop online cần và phần thu chi đầy đủ để các shop dù nhỏ hay to vẫn không bị mất hàng phần lưu thông tin khách hàng. Chỉ cần viết đúng tên khách là ra luôn cả thông tin. Như vậy chúng ta sẽ nắm được các lượng khách quen và có phần phân tích tổng hợp cảm ơn người tạo ra ứng dụng này”. Đây là một trong hơn 1.7 nghìn lượt đánh mà SoBanHang nhận được sau sáu tháng vận hành.
Một ứng dụng được phát triển và gọi vốn thần tốc và đã vượt mục tiêu ban đầu như vậy đã được coi là thành công nhưng nhà sáng lập Bùi Hải Nam thì nói rằng: “Tất cả chỉ đang ở bước khởi đầu. Hành trình vẫn còn nhiều khó khăn ”.
Giải bài toán của tiểu thương
Anh Bùi Hải Nam nhớ lại thời điểm cuối tháng năm, đầu tháng sáu, khi anh vô tình đọc được bài báo về cuộc sống khó khăn của các tiểu thương do trong thời kỳ COVID, hàng hóa ế chỏng chơ, có người cụt vốn. Với họ, sạp hàng nhỏ cũng có thể là nguồn sống của cả một gia đình. Khi gọi điện cho các cộng sự, anh trình bày ý tưởng về một công cụ có thể giúp tiểu thương bán hàng và không quên chuẩn bị sẵn tinh thần rằng có thể vài tháng nữa, SoBanHang sẽ thất bại. “Trong dịch bệnh, tôi muốn tạo ra một công cụ đơn giản và sẵn sàng cho hoạt động bán hàng online của bất kỳ tiểu thương nào. Họ chỉ cần chăm chỉ một chút, cập nhật các mặt hàng đang có và gửi một đường link cho khách hàng lựa chọn. Khi nhận được đơn, người bán có thể tự đi giao hoặc nhờ người thân, vì gần nhà nên miễn phí giao hàng và thu tiền luôn. Điều đó, giúp người bán hàng luôn ở thế chủ động bán hàng so với trước đây chỉ biết ngồi chờ khách đến” – anh Bùi Hải Nam nói thêm.
Với bảy lần khởi nghiệp, anh Bùi Hải Nam hiểu hơn ai hết rằng, startup là một chuỗi những lần thử và sai. Hàng chục năm lăn lộn trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng giúp anh nhìn thấy cơ hội cho mình thời điểm đó. Đối tượng của SoBanHang là những người kinh doanh cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ hay những người bán hàng ngoài chợ mà chúng ta vẫn hay gặp. Thật kì lạ, không ai nghĩ rằng, họ cũng là đối tượng cần chuyển đổi số. Lâu nay, họ vẫn ghi chép trong cuốn số chép tay mang theo mình. Tất cả chỉ thay đổi khi COVID-19 bùng phát và họ không có cách nào tiếp cận với khách hàng, dù tất cả đều ở gần nhau.
Hình ảnh một tiểu thương sử dụng SoBanHang. Nguồn: Sobanhang
So với các trang thương mại điện tử khác đang có trên thị trường, SoBanHang có gì khác biệt? Xuất phát từ việc phục vụ nhóm người dùng không rành về công nghệ, nhà sáng lập của SoBanHang thấy rằng, việc mở cửa hàng trên các trang thương mại điện tử quá phức tạp trong khâu mở gian hàng, cập nhật sản phẩm, xác minh, thanh toán, chưa kể các sạp hàng nhỏ, mặt hàng thay đổi theo ngày, theo mùa… Bên cạnh đó, mua bán qua các trang thương mại điện tử, người bán hàng mất 20-30% chi phí. Bằng cách này hay cách khác, cả người bán lẫn người mua đều không có lợi, nhất là trong bối cảnh mặt hàng của họ có thể có giá trị rất nhỏ. Trong khi đó, các phần mềm bán hàng hiện có dành cho các tiệm tạp hóa lại yêu cầu máy tính, công cụ quét mã. Đối tượng khách hàng của SoBanHang thậm chí còn nhỏ hơn thế, họ có thể là người bán hoa, người bán chút nông sản nhà trồng được…. Thứ họ có sẵn nhất là chiếc điện thoại.
Với kinh nghiệm đã có về công nghệ, đội ngũ phát triển hiểu rằng, họ phải làm sản phẩm rất nhanh, tức là chỉ trong vòng hai tháng phải có sản phẩm. Bởi đó là thời cơ để họ đặt chân vào được thị trường này.
“Thay vì xây hệ thống từ đầu, chúng tôi chọn cách sử dụng các công nghệ đã được Amazon phát triển trước đó, xây dựng từng tính năng nhỏ (micro service). Các module được xây dựng rời rạc nhằm đảm bảo tính linh động, có thể sắp xếp như lego khi cần thiết. Điều đó giúp cho SoBanHang chủ động xây dựng nhiều ứng dụng tùy theo yêu cầu về tính năng. SoBanHang xác định chúng tôi sẽ có nhiều tập khách hàng và có sản phẩm riêng phục vụ họ. Vì thế, việc linh động là cần thiết” – anh Bùi Hải Nam giải thích.
Công nghệ thay đổi tiểu thương
Tháng 8/2021, tức là chỉ hai tháng sau khi quyết định phát triển ứng dụng, SoBanHang không chỉ có sản phẩm ra mắt thị trường mà còn huy động thành công 1,5 triệu USD. Sự thần tốc này khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, điều gì đã giúp cho SoBanHang thuyết phục được nhà đầu tư. Nhà sáng lập Bùi Hải Nam tự tin nói: “Mô hình này thực tế không lạ trên thế giới và đã thành công ở Indonesia, Malaysia... Các nhà đầu tư đã trải qua sẽ thấy đây là điều tất yếu xảy ra ở thị trường Việt Nam. Chúng tôi chọn những nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chọn đúng nhà đầu tư là điểm quyết định. Thêm vào đó, các dự án trước đó của tôi đã cho nhà đầu tư thấy sự minh bạch, chuyên nghiệp trong cách làm việc”.
Đến tháng 12/2021, SoBanHang có hơn 60 nghìn khách hàng, vượt 20% mục tiêu mà startup này đặt ra ban đầu. Con số doanh thu 100 tỷ mỗi tháng của hơn 60 nghìn khách hàng khiến anh vui mừng. Có những người doanh thu chỉ 20-30 triệu đồng, nhưng trong mua dịch, đó thực sự là nguồn sống cho cả một gia đình. Tuy nhiên nhà sáng lập SoBanHang cũng nói rằng, niềm vui đó qua rất nhanh bởi thách thức vẫn còn rất nhiều phía trước. “Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, giao thương trở lại bình thường, chúng tôi chứng kiến lượng khách hàng online (trực tuyến) giảm tới 80%. Và chúng tôi phải thay đổi” – anh Bùi Hải Nam nói. Năm 2022, thách thức của SoBanHang sẽ là làm thế nào để thuyết phục được những người bán hàng trực tiếp (offline) sử dụng sản phẩm của mình.
Ngoài những tiểu thương bán sẵn sàng lên internet, vẫn còn hàng triệu tiểu thương vẫn quen thuộc với lối bán hàng ghi chép tay truyền thống. Trong khi đó, tầm nhìn mà SoBanHang hướng tới là “công nghệ hoá” các tiểu thương ở Việt Nam, giúp họ quản lý việc bán hàng một cách dễ dàng nhờ chiếc điện thoại, mà không cần thêm công cụ nào khác.
Anh Bùi Hải Nam bày tỏ: “Cái khó nhất là làm sao để họ hiểu về sức mạnh của công nghệ. Vấn đề nằm ở việc, họ đã kinh doanh như vậy hàng thập kỷ nay, nên cảm thấy không cần thứ mới. Bài toán của chúng tôi là giúp họ hiểu điều đó”.
Thời điểm này, nhà sáng lập của SoBanHang có phần tự tin khi có được tập khách hàng lớn và đa dạng về ngành nghề, lứa tuổi, địa bàn, kênh bán. Điều đó giúp họ chủ động hơn trong việc tối ưu sản phẩm, nên tập trung vào phân khúc khách hàng nào trước, ở thời điểm nào là phù hợp.
Ở giai đoạn tới, SoBanHang hiểu rằng thử thách phía trước không dễ dàng. Tuy nhiên, họ vẫn hướng tới việc thuyết phục khách hàng bằng một sản phẩm có ý nghĩa có thể thay đổi cuộc sống của rất nhiều người, chứ không theo đuổi chiến lược “đốt tiền lấy tăng trưởng”.
“Có thể ở một giai đoạn nào đó, việc đưa ra khuyến mại, để thu hút khách hàng là một bước đi cần thiết nhưng ít nhất ở thời điểm này, điều đó chưa có trong kế hoạch của SoBanHang. Việc chúng tôi muốn làm là tạo ra sản phẩm có giá trị cho các tiểu thương, làm được điều đó, chúng tôi mới dẫn đầu thị trường” – anh Bùi Hải Nam tự tin nói.
SoBanHang mong rằng, với ứng dụng này tiểu thương sẽ không rơi vào cảnh ế hàng. Ví như gần cuối ngày, chị bán cá còn khúc cá, mớ rau chưa bán hết, có thể nhắn tin cho tất cả khách hàng thân thiết để mời. Khi có người đặt, 5 phút sau, chị đứng trước nhà khách hàng giao hàng, nhận tiền rồi về sớm với gia đình. Buổi tối của ngày hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau, người bán hàng cũng chủ động giao hàng trong nhóm khách hàng thân thiết các mặt hàng đang có. Cuối tháng, không cần cộng trừ tính toán, chỉ một vài thao tác nhỏ, sẽ biết được doanh thu cuối tháng hay, khách hàng còn nợ tiền, mặt hàng nào bán chạy….
“Đó là tương lai của những người bán hàng thời công nghệ đã diễn ra ở nhiều nước và sắp tới sẽ là Việt Nam” – anh Bùi Hải Nam nói thêm.
SoBanHang đạt giải Ba cuộc thi Hack4Growth Unlimited 2021. Đây là cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), AVSE Corporation Việt Nam thực hiện, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và sự đồng hành của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). |
Đến tháng 12/2021, Sổ Bán Hàng có 60 nghìn khách hàng, vượt 20% mục tiêu mà startup này đặt ra ban đầu. Không chỉ có sản phẩm ra mắt thị trường mà SoBanHafng còn huy động thành công 1.5 triệu USD |