Hiện, rất nhiều chính sách, kế hoạch phát triển du lịch thông minh đã được Chính phủ giao cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, như kế hoạch xây dựng hệ thống visa điện tử cho du khách, mua bán vé máy bay trực tuyến, hành khách check in, check out qua Internet…
Ông Vũ Quốc Trí - Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - cho biết: “Chúng ta hãy hình dung Việt Nem sẽ có một số điểm tham quan triển khai việc hướng dẫn điện tử trong tương lai. Ví dụ du khách đến tham quan Hồ Gươm thay vì tìm hướng dẫn viên thì có thể truy cập hệ thống hướng dẫn điện tử và lựa chọn bài thuyết minh theo các chủ đề như lịch sử, cảnh quan địa lý...”.
Ông Trí cũng cho biết, những hình dung trên về nền du lịch thông minh ở Việt Nam mới chỉ là sơ bộ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là mọi lĩnh vực phục vụ cho ngành du lịch đều sẽ cần được số hóa để đáp ứng nhu cầu sự thuận tiện và gia tăng trải nghiệm cho du khách, hướng tới mục tiêu tăng lượng khách cho toàn ngành.
Việc xây dựng chính sách chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch thông minh cũng nằm trong mục tiêu xây dựng mô hình thành phố thông minh. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có một “hình hài” cụ thể về thành phố thông minh bởi việc xây dựng mô hình này tại các địa phương vẫn đang nằm trong kế hoạch phát triển.
Trong tình hình đó, ông Trí gợi ý: “Để xây dựng một thành phố thông minh, tôi cho rằng nên giới hạn kế hoạch trong khoảng 3 năm, thay vì niên độ 5 năm như thông thường. Bởi công nghệ thay đổi quá nhanh, 5 năm là quá xa và chúng ta sẽ lạc hậu mất. Vì thế, để trả lời được câu hỏi thành phố thông minh có hình hài như thế nào, cần những nỗ lực cụ thể từ nay đến 2020”.
Lâm Vũ