Với sự hậu thuẫn của các tên tuổi lớn như Qualcomm, Dalian Wanda và Alibaba, SenseTime - từ một dự án nghiên cứu trong trường đại học - giờ đây đã trở thành thế lực đáng gờm về AI tại Trung Quốc.

SenseTime giới thiệu phần mềm nhận dạng khuôn mặt tại phòng trưng bày ở Thượng Hải vào năm 2018. Ảnh: Gilles Sabrié / The New York Times
SenseTime giới thiệu phần mềm nhận dạng khuôn mặt tại phòng trưng bày ở Thượng Hải vào năm 2018. Ảnh: Gilles Sabrié / The New York Times

SenseTime là một trong những công ty AI hàng đầu của Trung Quốc với nền tảng học sâu có thể nhận dạng và xử lý khuôn mặt người, hình ảnh và văn bản. Ngoài ra, SenseTime còn vận hành một trung tâm siêu máy tính được trang bị hàng loạt công nghệ AI tiên tiến bậc nhất.

Hiện tại công ty đang mở rộng sang các lĩnh vực mới — điện thoại thông minh, giải trí và xe hơi. Ngoài ra, SenseTime phối hợp với các công ty hàng đầu trong ngành thương mại điện tử (Alibaba và Suning), viễn thông (China Mobile) và bất động sản (Vanke và Sunac) để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

SenseTime giờ đây là “ngôi sao sáng” đầy tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư. Họ đã hoàn tất 12 vòng tài trợ và huy động được hơn 35 tỷ NDT (5,22 tỷ USD) trước khi đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong.

Vào ngày 30/12/2021, khi cổ phiếu của công ty bắt đầu được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, công ty đã huy động thêm được 5,775 tỷ HKD (735,9 triệu USD) với giá trị vốn hóa thị trường là 140 tỷ HKD (17,84 tỷ USD). Vào năm 2020, SenseTime là công ty AI lớn nhất châu Á tính theo doanh thu.

Công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân viên tay nghề cao

Nhà đồng sáng lập SenseTime Tang Xiao’ou, đã đến Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc năm 1990. Ông lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Rochester năm 1991 và bằng tiến sĩ về thị giác máy tính tại Học viện Công nghệ Massachusetts vào năm 1992. Tháng 6/2014, khi đang giảng dạy tại Đại học Trung Quốc Hong Kong (CUHK), nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển thành công DeepID, một thuật toán nhận dạng khuôn mặt với tỷ lệ chính xác lên tới 99,55% — cao hơn cả độ chính xác của mắt người. Cuối năm đó, ông đã cùng Xu Li - người nhận bằng tiến sĩ tại CUHK, lập ra SenseTime.

Từ đó đến nay, đội ngũ nhân viên của SenseTime đã tham gia và giành được giải thưởng trong 70 cuộc thi toàn cầu và xuất bản 600 bài báo học thuật. Đến cuối năm 2021, 70% nhân viên của SenseTime, tương đương khoảng 4.300 người, là kỹ thuật viên R&D. Công ty đã xây dựng các “trường học” và “thư viện” AI để xử lý dữ liệu cho công nghệ học sâu, cũng như một trung tâm điện toán AI lớn ở Thượng Hải có thể xử lý nội dung video dài tương đương 23.600 năm chỉ trong một ngày.

Để giữ lợi thế dẫn đầu, SenseTime hợp tác với các trường đại học trên toàn thế giới để tuyển dụng những sinh viên tài năng nhất. Họ tài trợ cho các phòng thí nghiệm và hỗ trợ nghiên cứu AI thông qua học bổng để khuyến khích, trau dồi và xác định những người tiềm năng. SenseTime thường xuyên tuyển những người học cao học tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và thu hút nhân viên có kinh nghiệm từ các doanh nghiệp công nghệ khác, như Microsoft, Google, Lenovo và Baidu.

Công nghệ thành phố thông minh

Kể từ năm 2019, các dự án phát triển thành phố thông minh là một trong những nguồn thu chính của SenseTime. Đến đầu năm 2021, công ty đã nhận được rất nhiều dự án thành phố thông minh, góp phần giúp doanh thu tăng 240% so với cùng kỳ năm trước.

Nền tảng AI của SenseTime có thể đơn giản hóa và tự động hóa các quy trình quản lý đô thị phức tạp. Dù người dùng có thể không nhận ra sự phức tạp của các tác vụ đang được xử lý, nhưng thực tế nhóm kỹ sư đã phải mất hàng tháng trời để thực hiện một thuật toán duy nhất.

Nhưng các tình huống khác nhau có thể đòi hỏi các giải pháp tự động hóa khác nhau, vì vậy SenseTime đã phát triển một trung tâm AI dành cho thành phố thông minh, được trang bị các công cụ nhận dạng khuôn mặt và phương tiện, phân tích đám đông và phát hiện sự cố. Hiện tại, hầu hết các thành phố thông minh trên khắp Trung Quốc đều đang ứng dụng trung tâm AI này.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt "tỷ đô" của SenseTime có thể phát hiện tội phạm giữa 50.000 người.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt "tỷ đô" của SenseTime có thể phát hiện tội phạm giữa 50.000 người.

Quận Trường Ninh của Thượng Hải bắt đầu sử dụng AI để quản lý đường phố vào năm 2020. SenseTime đã tạo ra nhiều thuật toán giải quyết các tình huống khác nhau và chuyển 1.000 camera thành cảm biến có thể phát hiện các vấn đề như đỗ xe bất hợp pháp hoặc đường bị ngập nước. Các cảm biến sau đó gửi cảnh báo đến quản trị viên, giúp ban quản lý nhận thức được tình hình và giải quyết vấn đề kịp thời lẫn hiệu quả hơn.

Với những gì đã làm được, SenseTime được kỳ vọng là công ty dẫn đầu tham vọng thống trị công nghệ AI của Trung Quốc trong những năm tới. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa công ty vào danh sách đen “các công ty tổ hợp công nghiệp - quân sự Trung Quốc” vì công nghệ của họ hỗ trợ các hành vi vi phạm nhân quyền và giám sát công nghệ cao, chống lại người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và cộng đồng Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.

Dù đại diện SenseTime đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc hỗ trợ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nhưng lệnh cấm đầu tư này vẫn ảnh hưởng phần nào đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu của công ty.

Mở rộng sang những lĩnh vực khác

Bất chấp những rào cản khác nhau, SenseTime vẫn tiếp tục đà phát triển của mình. Vào tháng ba vừa qua, Thượng Hải đã trải qua một đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, với hơn 51.000 trường hợp được phát hiện do có triệu chứng cùng với 503.000 trường hợp không có triệu chứng khác. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các bệnh viện khẩn cấp yêu cầu thành phố tìm ra cách thức an toàn, hiệu quả để tự động đo nhiệt độ cơ thể và kiểm soát việc ra vào bệnh viện. Vào tháng năm, SenseTime đã phát triển một hệ thống “bệnh viện dã chiến kỹ thuật số”, được triển khai tại một cơ sở y tế tạm thời ở Lingang, nằm ở phía Đông Nam Thượng Hải.

SenseTime đã cài đặt một hệ thống kiểm soát ra vào có thể đo nhanh nhiệt độ cơ thể của mọi người ngay cả khi họ vẫn đang đeo khẩu trang. Mọi người có thể vào bệnh viện bằng cách quét thẻ ID và mã QR của họ, trong khi hệ thống sẽ kiểm tra kết quả xét nghiệm axit nucleic mới nhất.

SenseTime thậm chí còn lấn sân sang lĩnh vực văn hoá truyền thống Trung Quốc. Vào tháng tư, SenseTime đã ra mắt một bức tranh tường kỹ thuật số mang tên “Chú hươu chín màu Đôn Hoàng”, dựa trên một bức tranh gốc trong hang Mạc Cao (thị trấn Đôn Hoàng), Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận. Bằng cách sử dụng điện thoại để quét hình ảnh con nai trên một khối trang trí, người dùng có thể xem bản sao kỹ thuật số của bức tranh tường gốc.

Đại diện SenseTime cho biết những video và mô hình 3D như tác phẩm “Chú hươu chín màu Đôn Hoàng” sẽ giúp người xem tiếp cận các di tích văn hóa theo cách sống động hơn. Khi tạo ra sản phẩm này, họ tập trung đến đối tượng người dùng là Gen Z - những người quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo và AI. Người dùng sẽ được nhìn ngắm các tác phẩm văn hóa ở định dạng mới, và có được những trải nghiệm mang tính cá nhân hơn.


"Đường đua AI đang ngày càng trở nên cam go. Các đối thủ cạnh tranh chính của SenseTime tại Trung Quốc - CloudWalk, Megvii, Yitu và Hikvision - cũng đang phát triển các công nghệ thông minh để cướp lấy miếng bánh thị phần mà SenseTime nắm giữ."


Duy trì vị thế dẫn đầu

Công ty hiện đã đặt văn phòng tại Hong Kong, Kyoto, Tokyo, Singapore, Riyadh, Abu Dhabi và Dubai. Ban lãnh đạo dự định mở rộng hoạt động kinh doanh ra các quốc gia như Nhật Bản, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thái Lan và Singapore. SenseTime đang hướng tới mục tiêu trở thành thế lực đáng gờm về AI trên toàn cầu.

Vào tháng ba năm 2020, SenseTime đã ký một thỏa thuận với Công ty TNHH Đường cao tốc Đông Nippon (NEXCO), nhà điều hành đường cao tốc tại Nhật Bản, để ứng dụng công nghệ phân tích video thông minh vào trong các dự án của NEXCO.

Tuy nhiên, công ty đang đối diện với một bài toán lớn: thiếu nguồn nhân lực. Theo Báo cáo Nhân tài AI toàn cầu năm 2020 do Element AI công bố, vào năm 2019, đã có hơn 477.950 nhà nghiên cứu AI trên khắp thế giới. Trong số đó, 188.300 người làm việc tại Hoa Kỳ - chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tiếp theo là Ấn Độ. Trung Quốc có 22.191 nhà nghiên cứu AI làm việc trong nước, đứng thứ tư trong danh sách.

AI đang phát triển nhanh chóng nhờ nguồn nhân lực kỹ thuật ổn định. Một công ty như SenseTime chỉ có thể giữ được lợi thế cạnh tranh của mình bằng cách liên tục tuyển dụng các chuyên gia lành nghề. Trung Quốc là kẻ đến sau sau trong ngành công nghiệp AI và nhân viên kỹ thuật của họ trong lĩnh vực này ít kinh nghiệm hơn hầu hết các đối thủ nước ngoài, điều này đồng nghĩa với việc hiện tại nước này thiếu người đủ năng lực để đảm nhiệm các vị trí nghiên cứu AI ở Trung Quốc. Cho đến nay, vấn đề tuyển dụng vẫn là một thách thức lớn đối với SenseTime và cả các đối thủ cạnh tranh của công ty.

Vào tháng 9/2021, Megvii được Sàn STAR Market chấp thuận niêm yết cổ phiếu của mình. Năm ngoái, Yitu đã rút đơn đăng ký IPO ở Thượng Hải và có thể đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu ra công chúng ở Hong Kong. Trong khi đó, Hikvision đã đầu tư 3,878 tỷ NDT (580 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm 2021 để tăng cường năng lực R&D của mình. Ngay lúc này, SenseTime sẽ phải nhanh chóng tìm ra được chiến lược hợp lý để duy trì vị trí hàng đầu của mình tại Trung Quốc.