Việc doanh số sách điện tử liên tục sụt giảm trong khi doanh số sách in gia tăng thời gian gần đây dường như đã bác bỏ suy đoán sách điện tử sẽ “giết chết” sách in.

Cú “lội ngược dòng” này phản ánh khía cạnh thú vị của tâm lý con người trước sự chuyển đổi công nghệ: Cái mới xuất hiện càng kích thích sự quay về với những gì quen thuộc.

Sách điện tử nếm trái đắng vì quá tự tin

Sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt, doanh số bán sách điện tử đang sụt giảm mạnh, làm dấy lên hoài nghi mới về tiềm năng của nó. Joanna Prior - Giám đốc Nhà xuất bản Penguin (Mỹ) - thừa nhận, sự cường điệu của sách điện tử có lẽ đã khiến việc đầu tư vào lĩnh vực này không còn là khôn ngoan. Penguin đã mất rất nhiều tự tin trong việc nắm giữ “sức mạnh của thế giới trên những trang sách”.

Vì thế, vấn đề liệu sách điện tử có “giết” được sách in hay không vẫn chưa thể ngã ngũ. “Tôi nghĩ rằng bất kỳ tuyên bố nào về việc sách in phải cam chịu thất bại giờ đây đều có thể bị bác bỏ” - Joanna Prior nói trên Telegraph.co.uk.

Độc giả đang có xu hướng quay trở lại với sách in. Ảnh: Mirabiledictu.org

Viễn cảnh sách in biến mất đã được nêu từ thế kỷ 19. Năm 1894, người ta đã cho rằng sự ra đời của máy quay đĩa sẽ dẫn tới sự sụp đổ của sách in, bị thay thế bằng các sách nghe. Suy đoán tương tự được lặp lại nhiều lần. Phim, đài phát thanh, truyền hình và điện thoại thông minh đều được cho là có thể phá hủy sự tồn tại của sách in với tư cách là một nguồn giải trí.

Một điều tra tại Mỹ được hãng nghiên cứu thị trường Pew Research thực hiện từ ngày 7/3 đến 4/4/2016 cho thấy, 38% số người được khảo sát vẫn đọc sách in bản quyền, 28% đọc cả sách in và sách điện tử, cao hơn hẳn số người chỉ đọc sách bằng định dạng điện tử. Đây là ví dụ chứng minh sách in vẫn có quyền lực mạnh.

Stephen Lotinga - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà xuất bản (Anh) - cho rằng, những tiên đoán trước đây về cái chết của sách in có thể đã đánh giá thấp về số người yêu thích sách giấy.

Kích thích ngược từ sự chuyển đổi công nghệ

Theo các chuyên gia, hiện tượng sách in vẫn tồn tại có hai nguyên nhân chủ yếu từ sự chuyển đổi công nghệ. “Trước tiên, các thiết bị điện tử được tùy chọn để đọc sách không giống như để nghe nhạc hay xem video. Một loạt thiết bị đọc sách điện tử hiện nay - gồm điện thoại, máy tính bảng và máy đọc sách - không chuyển tải đủ kinh nghiệm đọc dài kỳ một cách chất lượng để thay thế sách in, ngay cả khi nó có lợi thế về giá và tiện ích. Nguyên nhân thứ hai là sự chán ngán kỹ thuật số, một hiện tượng tâm lý mới nổi lên ở người tiêu dùng” - Peter Hildick-Smith - Chủ tịch Tập đoàn nghiên cứu thị trường Codex (Mỹ) nói.

Đây là phản ứng thường có của con người trong mối liên hệ cảm xúc với những sản phẩm đã là một phần cuộc sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy, con người thường phát triển mối quan hệ mật thiết với các đồ vật, thậm chí còn nhân cách hóa chúng, đặt tên cho xe hơi chẳng hạn.

Việc xuất hiện công nghệ mới như sách điện tử khiến chúng ta phải điều chỉnh quan hệ với sách in - thứ đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu. Chúng ta trở nên khao khát tìm kiếm những gì mình từng quen sử dụng mà nay đã phần nào phai nhạt.

Đó là lý do công nghiệp in ấn đã phát triển rầm rộ các sản phẩm hoài cổ. Vào thế kỷ 15, sự phát triển của ngành in khiến người châu Âu tìm kiếm các bản thảo gốc viết tay. Sự chuyển đổi từ phim câm sang phim nói những năm 1920 từng kích thích người ta tìm về hình thức cổ điển hơn.

Hiện tượng “ngược dòng” này cũng diễn ra khi thế giới chuyển từ chụp ảnh analog sang kỹ thuật số, hay từ tivi trắng - đen sang tivi màu. Có thể thấy, sự xuất hiện của sách điện tử đã kích thích độc giả quay về với sách cổ, ngay cả khi chúng có mùi vật liệu không mấy dễ chịu.

Những ai còn lo sợ về sự biến mất của sách in có thể yên tâm rằng, loại sách này đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghệ và đã có một vị trí tốt nhất để tồn tại. Trong thực tế, những câu chuyện hay sự suy luận trước sự chuyển đổi công nghệ theo kịch bản “chỉ có cái chết và sự kết thúc” có thể tạo ra những phản ứng tích cực. Bởi khi dễ dàng nhớ và lan truyền câu chuyện về cái chết của một sản phẩm nào đó trên truyền thông, chúng ta rất dễ phấn khích trở lại đối với chúng, nhất là khi chúng ta sợ những điều vốn gần gũi với thế giới của mình đang biến mất.

Hiệp hội Xuất bản Mỹ cho biết, doanh số bán sách điện tử năm 2015 giảm 14% so với năm 2014. Một cuộc khảo sát của Codex vào tháng 4/2016 trên 4.992 người mua sách còn cho thấy, tỷ lệ sách điện tử được bán và được chia sẻ giảm từ 35,9% vào tháng 4/2015 xuống còn 32,4% vào tháng 4/2016. Đồng thời, có 59% số người được hỏi cho biết họ ít đọc sách điện tử hơn sách in.