Theo dự đoán của các nhà khoa học, trong tương lai, robot sẽ thay thế công việc của nhiều người, trong đó có cả nhà báo. Vấn đề đặt ra là khi robot viết, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những chi tiết sai sót hay những hậu quả nặng nề mà sản phẩm báo chí đó tạo ra?

Robot “cướp việc” của nhà báo

Tháng 1/2017, robot Xiao Nan đã tạo ra một mẩu tin về du lịch dài 300 ký tự trong vòng 1 giây. "Cha đẻ" của nó - Giáo sư Wan Xiaojun, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc - cho biết robot này còn có khả năng viết các bài báo dài hoặc truyện ngắn. “Nếu so sánh với các nhà báo thực thụ, Xiao Nan có khả năng phân tích dữ liệu tốt hơn và viết nhanh hơn” - ông Xiaojun khẳng định.

Trước đó, tờ AP đã dùng nền tảng tường thuật tự động Wordsmith để thu thập thông tin về doanh thu từng quý của hãng Apple, hoặc về bản tin thể thao ở các trường đại học. Năm 2015, một cuộc thi giữa cựu phóng viên Nhà Trắng và nền tảng Wordsmiths đã diễn ra. Kết quả là với một bản tin tài chính - kinh doanh, phóng viên mất 7 phút để viết trong khi robot chỉ mất 2 phút. Mẩu tin của phóng viên có văn phong rất tốt, còn mẩu tin của robot lại đầy đủ thông tin cần thiết và có những phân tích chất lượng.

Hiện các robot viết báo chỉ tập trung vào mảng kinh doanh, thể thao - lĩnh vực cần dùng thuật toán để quét dữ liệu được chọn trước. Chúng mới đạt tiêu chuẩn của nhà báo dữ liệu theo định nghĩa của Đại học Royal và Blashingame (Mỹ), chứ không hề chứng tỏ khả năng suy nghĩ có ý thức. Chúng còn dựa nhiều vào sự lập trình và chưa thể tự ra quyết định.

Thời đại robot làm báo đang tới gần. Ảnh: Neovera

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, robot viết báo với trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh chóng ra đời. Điều này đồng nghĩa với việc robot sẽ thay đổi cách tiếp cận nguồn tin, trở nên giống người hơn trong bút pháp và khả năng phân tích. Sản phẩm nó tạo ra sẽ thực tế và có tính tin cậy hơn.

Nan giải về vấn đề pháp lý

Với sự phổ biến ngày càng rộng của robot, số lỗi do nó gây ra sẽ nhiều hơn. Trong việc viết báo, đó có thể là lỗi thiếu cảm giác, dịch sai, chuẩn mực dữ liệu gây tranh cãi... Không loại trừ chuyện thuật toán được lập trình như người “gác cổng” để chấp nhận hoặc từ chối dữ liệu nhập vào và nó chấp nhận những thông tin lạc hậu hoặc giả mạo.

Câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là liệu các bộ luật hiện tại có thích ứng với điều kiện mới, liệu chúng ta có cần quy chuẩn pháp lý mới, hay thậm chí là đối tượng tư cách pháp nhân mới và đâu là những điều kiện mà các thực thể không phải người phải chịu trách nhiệm cho hậu quả gây ra.

Tác giả Elizabeth A. Kirley - Đại học Deakin, Australia - trong một bài viết về vấn đề pháp lý liên quan đến việc robot viết báo, đăng tải trên tạp chí Luật và Công nghệ châu Âu - cho biết, hiện chưa có đạo luật nào dành riêng cho robot viết báo có trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, bà gợi ý về 2 đạo luật dành cho lĩnh vực robot mà châu Âu và Mỹ đang áp dụng.

Theo luật châu Âu, tư cách pháp nhân cũng như những quyền lợi và nghĩa vụ của máy móc được xác định dựa vào mức độ tự chủ hoặc độc lập trong hành động của máy móc. Như vậy, robot có được xem xét có tư cách pháp nhân hay không phụ thuộc vào “điều kiện mà nếu coi nó có tư cách pháp nhân thì sẽ giải quyết được vấn đề hay tạo ra những vấn đề lớn hơn”.

Một cách khác để xem xét tư cách pháp nhân là dựa vào mô hình chính chủ và đại diện tham gia. Chẳng hạn, một softbot (chương trình máy tính hoạt động trên danh nghĩa của người dùng hoặc của một chương trình máy tính khác) có thể được coi là đại diện cho một nhà báo thực thụ với mục đích nghiên cứu hoặc phân tích dữ liệu, viết mẩu tin nếu nhà báo thực này không tự mình chỉnh sửa mà đưa ngay kết quả cho bên thứ ba.

Khi đó, softbot có thể bị kiện vì vi phạm hợp đồng nếu không hoàn thành được hoặc có sai sót trong khi thực hiện công việc được giao. Nếu softbot sử dụng nhận thức nhiều hơn khi thực hiện công việc của mình (có khả năng tự học hỏi từ những lỗi sai mà không cần có sự can thiệp của con người) thì trách nhiệm pháp lý của nó càng lớn.

Bà Elizabeth A. Kirley cho rằng, chúng ta có thể linh động áp dụng những đạo luật đang áp dụng cho ôtô không người lái, máy bay không người lái hay đạo luật về nhân bản đối với trường hợp robot viết báo có trí tuệ nhân tạo.