Từng thất bại vì một lý do rất “dở hơi” là đấu nhầm dây âm dương,ngày đầu chạy thử robot, cả hệ thống bỗng dưng “tắt ngúm” với khói đen và mùi khét lẹt bốc lên. Số tiền hàng triệu đồng nhóm đầu tư cho chú robot đội nónra đi. Không nản lòng, 3 bạn trẻ Phạm Thành Kỳ Hưng, Huỳnh Võ Nhật Huy, lớp cử nhân tài năng ngày CNTT, ĐH KHTN TP.HCM đã thiết kế thành công robot mang tên T-res phục vụ học tập và quản lý nhà cửa.
“Công nghệ nhận diện giọng nói là hướng phát triển rất tiềm năng trong thời gian tới. Robot càng tương tác với con người với nhiều câu lệnh khách nhau thì càng thông minh. Chúng em đã xây dựng cơ sở dữ liệu để robot T-res có thể hiểu 27 câu lệnh để tương tác với con người. Trong thời gian tới, T-res sẽ được phát triển để có thể hiểu được nhiều câu thoại của con người hơn và có thêm nhiều câu thoại bằng tiếng Việt hơn”- Nhật Huy, thành viên nhóm cho biết.
Ba chàng sinh viên với robot T-res. Ảnh: Hà Thế An.
Robot T-res là một sản phẩm công nghệ được nhóm tác giả chế tạo nhằm mục đích phục vụ học tập và quản lý nhà cửa. Intel Galileo sẽ đóng vai trò là một bộ điều khiển trung tâm, kết nối với các thiết bị điện tử, và kết nối với điện thoại hoặc máy tính bảng có chạy ứng dụng đặc biệt. Từ ứng dụng này, người dùng có thể ra lệnh đến các thiết bị nhờ Galileo. Với hệ thống 16 cảm biến bao gồm gia tốc, chuyển động, siêu âm và thông số môi trường giúp cho robot trở nên cực kì thông minh và đa năng. Thiết kế nhỏ gọn và di chuyển linh hoạt. Đặc biệt, robot này cókhả năng nhận dạng giọng nói và khả năng giao tiếp như như con người.
Để có được những thiết bị, linh kiện phục vụ cho việc phát triển sản phẩm, nhóm đã mất rất nhiều ngày đi “lùng” những linh kiện điện tử tại chợ Nhật Tảo. Có những linh kiện các thành viên phải kiếm cả tuần mới có được thiết bị ưng ý. Để tiết kiệm chi phí, những thiết bị cũ làm trong các sản phẩm trước đó cũng bị tháo tung để sử dụng lại.
Nhiều đêm cặm cụi thức trắng hàn từng con chíp, từng mạch điện rồi đến khi thử nghiệm, robot chạy được vài vòng, làm được vài thao tác rồi lại… đứng im. Vậy là cả ba thành viên lại bắt đầu làm lại từ đầu. Bữa ăn tại chỗ tại phòng thí nghiệm của trường với ba hộp cơm mua sẵn là chuyện bình thường.
“T-res là một robot thông minh sử dụng trong hộ gia đình, bởi vậy việc thiết kế để người sử dụng có thể dễ dàng trong việc điều khiển rất quan trọng. Với xu thế của thời đại quản lý các thiết bị bằng điện thoại thông minh thì đối với robot đây là một lựa chọn tối ưu và vượt trội nhất”- Phạm Thành Kỳ Hưng, trưởng nhóm cho biết.
Thay vì những chiếc remote cũ kĩ kém bắt mắt, robot đã có thể kết nối với thiết bị smart phone một cách dễ dàng thông qua ứng dụng của nhóm tác giả xây dựng “T-res v1.0”. Người dùng chỉ việc kết nối giữa điện thoại với robot qua sóng Bluetooth và sóng Wifi là có thể điều khiển được nó.
Chú robot T-res có thể trở thành người giúp việc với cánh tay mềm mại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Robot được thiết kế với hai chế độ tùy thích cho người dùng đó là điều khiển tay và tự động kiểm soát hành vi độc lập. Thay vì dùng điện thoại để thao tác ta có thể kích hoạt chế độ tự động. Từ đó, robot có thể tự do duy chuyển trong khắp ngôi nhà thông qua bộ cảm biến định hướng gia tốc và khoảng cách được lắp trên thân, cho phép robot có thể tự né được các vật cản mà không sợ bị va chạm.
Sau 4 năm bắt đầu xây dựng ngôn ngữ nhận dạng từ năm 2012 đến nay T-res khả năng nhận dạng và trả lời bằng giọng nói thật của con người. T-res đã có thể nghe và xử lý được yêu cầu của người dùng từ đó nó sẽ thực hiện các cử chỉ hành động đáp trả thông qua cánh tay và lời nói. Ví dụ bạn nói “Chào Robot” thì T-res sẽ đáp lại lại “Xin chào các bạn, mình là robot T-res” hoặc khi bạn hỏi giờ nó có thể đáp trả một cách chính xác…
Hiện nay, so với Asimo với khả năng hiểu 150 câu lệnh, NAO với 120 câu thì T-res đã và đang được năng cấp với 27 câu lệnh nghe và đàm thoại. Đây là điểm nhấn lớn nhất mà một con robot như T-res có được, tuy chưa hoàn hảo nhưng phần nào kích thích được sự sáng tạo và nghiên cứu robot của giới trẻ Việt Nam.
Nhóm tác giả đang tối ưu hóa các tính năng cho sản phẩm, nâng cao chất lượng hoạt động trong hệ thống. Dự tính trước mắt sẽ thay đổi cơ cấu di chuyển của robot sang động cơ hóa servo, tức thay đổi bánh xe bằng các khớp chân để robot có thể di chuyển giống con người hơn nữa. Đẩy mạnh khả năng giao tiếp và nhận dạng giọng nói bằng tiếng Việt hơn nữa để người dùng dễ dàng khi sử dụng.