“Đánh thuế robot” - ý tưởng gây tranh cãi
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Bill Gates - người sáng lập Microsoft - đã gây ngạc nhiên và tranh cãi khi ủng hộ chính sách “đánh thuế robot” - ý tưởng xuất hiện ở châu Âu và đã được một số người nổi tiếng tỏ ý đồng tình.
Dự đoán robot sẽ thay thế một lượng lớn lao động trong 20 năm tới, ông cho rằng việc đánh thuế robot sẽ làm chậm được tốc độ tự động hóa và tiền thuế có thể dùng vào việc đào tạo lại và hỗ trợ tài chính cho công nhân - những người sau đó có thể làm các công việc mới như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, hoặc các lĩnh vực khác nơi lao động con người là cần thiết.
“Người lao động ở Mỹ hiện có thể kiếm khoảng 50.000USD một năm và sẽ phải nộp thuế thu nhập. Nếu robot làm việc tương tự, chúng cũng nên nộp thuế như con người” - Bill Gates nói.
Quan điểm của Bill Gates đã bị nhiều người phản đối.
Ông Bessen - cựu nhân viên của Trung tâm Berkman, Đại học Harvard, Mỹ - cho rằng việc đánh thuế các robot có thể gây phản tác dụng: “Bạn không muốn đánh thuế các máy móc này vì chúng cho phép người ta kiếm được tiền lương cao hơn. Nếu bạn đánh thuế máy móc, bạn sẽ làm chậm lại mặt có lợi của quá trình này”.
Quan điểm của Bill Gates về vấn đề đánh thuế robot gây tranh cãi lớn. Ảnh: Qzprod
Tờ Fortune thậm chí còn cho rằng tự động hóa trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang làm tăng số việc làm trong hầu hết các ngành công nghiệp. Do đó, việc đánh thuế robot sẽ khiến sự tăng trưởng việc làm chậm lại và hạn chế cơ hội kinh tế của hàng triệu người.
Tự động hóa tạo thêm nhiều việc làm
Theo tờ Fortune, mối lo hiện nay của chúng ta về chuyện robot sẽ cướp hết việc làm của con người cũng giống câu chuyện công nhân ngành dệt và những chiếc máy dệt thời cách mạng công nghiệp giữa thế kỷ 20.
Lịch sử cho thấy, sự tự động hóa nhanh chóng đã giúp tăng trưởng mạnh mẽ về việc làm. 98% số công nhân dệt năm 1890 được thay thế bởi máy móc vào năm 1910 nhưng số người làm trong ngành dệt - may lại tăng trưởng lớn trong giai đoạn này. Vì sao? Do nhu cầu mặc của người dân tăng lên. Khoảng 200 năm trước, vải rất đắt nên thường mỗi người chỉ có một bộ quần áo làm bằng len hoặc vải lanh. Tự động hóa đã làm giảm giá bông vải nên mọi người mua nhiều hơn. Đến năm 1910, mức tiêu thụ vải của mỗi người cao gấp 10 lần so với năm 1810.
Ngày nay, nhiều bằng chứng cho thấy nhu cầu công nghệ thông tin vẫn rất lớn trong hầu hết các ngành. Trong lĩnh vực phi sản xuất, việc sử dụng công nghệ thông tin giúp số việc làm trong công nghiệp tăng nhanh hơn, trung bình 1%-2%. Ví dụ, máy quét mã vạch được sử dụng rộng rãi những năm 1980 đã tự động hóa phần lớn công việc của nhân viên thu ngân, nhưng số nhân viên thu ngân vẫn tăng.
Tương tự, máy ATM tiếp nhận việc xử lý tiền của nhân viên ngân hàng, nhưng số người làm ở nhà băng tăng 2%/năm từ năm 2000. ATM giúp các ngân hàng giảm chi phí mở chi nhánh vì cần ít người hơn (trung bình từ 20 người giảm còn 13 người) và do đó, họ mở nhiều chi nhánh hơn. Lượng giao dịch viên ít đi nhưng lượng nhân viên tín dụng và một số công việc khác lại tăng.
Mặc dù tự động hóa sẽ dẫn đến mất việc làm trong sản xuất, hoạt động kho bãi, lái xe, nhưng tác động tổng thể ở hầu hết các ngành công nghiệp sẽ là tăng số việc làm. Tốc độ tiến bộ của robot, trí tuệ nhân tạo có thể tăng trong 20 năm tới nhưng tác động của sự đổi thay đó - dù xu hướng là tăng hay giảm việc làm - không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc vào nhu cầu. Và nói chung, công nghệ sẽ thúc đẩy việc làm vì nó đang giải quyết các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng.
Tuy nhiên, sẽ có người thắng và kẻ thua. Một số người sẽ nhận ra công việc của mình đã lỗi thời và cần trang bị kỹ năng mới để có lương cao hơn. Robot và trí tuệ nhân tạo sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về kinh tế và tạo gánh nặng cho nhiều người lao động khi phải học các kỹ năng mới. Nhiều nhà tuyển dụng sẽ phải liên tục đối mặt với “khoảng cách kỹ năng” vì quá ít công nhân đã được đào tạo để làm việc với những chiếc máy mới.
“Bill Gates đúng về sự cần thiết phải cung cấp quỹ để đào tạo lại công nhân và hỗ trợ họ chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, chuyện đánh thuế các robot sẽ chỉ làm chậm lại việc tạo thêm việc làm. Tự động hóa đang tạo nhiều việc làm hơn là hủy hoại chúng” - tờ Fortune kết luận.