Các startup sẽ được tương tác với nhiều đối tượng khách hàng để tiếp nhận góp ý và thay đổi sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.
40 startup đã tiếp thu được nhiều góp ý quý báu từ khách hàng để phát triển sản phẩm, dịch vụ tại Phiên chợ khởi nghiệp lần 2 được tổ chức và sáng 16/07 tại ĐH Bách khoa TP.HCM.
Không chỉ tạo cơ hội để các startup thực hiện các kế hoạch marketing, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, phiên chợ khởi nghiệp còn mở ra cơ hội trao đổi, hợp tác giữa startup với khách hàng tiềm năng. Khách hàng cũng là những người “mách nước” cho doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
Cụ thể, nhóm startup “Hải sản Vũng Tàu” đã nhận sự đóng góp về việc xây dựng thương hiệu từ phía khách hàng. Theo Lê Công Tuấn, trưởng nhóm khởi nghiệp, nhiều khách hàng đã chỉ rõ, ngoài đầu tư về chất lượng sản phẩm, startup cần phải chú trọng đến xây dựng thương hiệu.
“Nhiều khách hàng bày tỏ phải thay đổi tên “Hải sản Vũng Tàu” bằng tên gọi mang sự khác biệt, tạo dấu ấn trong lòng khách hàng.Ngoài ra, một số khách hàng muốn sản phẩm có thêm hệ thống truy xuất nguồn gốc để minh bạch hóa quy trình sản xuất sạch. Nhóm sẽ ghi nhận toàn bộ và sẽ lên kế hoạch thay đổi trong tương lai”- Tuấn cho biết.
Khá đông khách hàng quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm sạch rất ấn tượng với sự đầu tư công sức, chất xám của các nhóm khởi nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc (Quận 10) chia sẻ, có những nhóm bạn rất trẻ, hầu hết là sinh viên mới ra trường nhưng đã tự mình tạo ra những sản phẩm sạch phục vụ cộng đồng. Tấm lòng chia sẻ với xã hội trước bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động thật sự đáng trân trọng.
“Mua một sản phẩm sạch không chỉ vì chất lượng mà đó là sự chung tay của người tiêu dùng. Vì chỉ khi có sự chia sẻ từ cộng đồng, những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp sẽ có thêm động lực để phấn đấu, dấn thân cho đam mê của mình”- chị Ngọc nói.
Lần thứ 2 tham dự phiên chợ khởi nghiệp, anh Ngô Bá Thuần, công ty Karta nhận thấy, đây là cơ hội để tiếp cận với những đối tượng khách hàng mới.
“Tôi rất bất ngờ khi có nhiều bạn trẻ rất quan tâm đến những sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường của công ty. Sau phiên chợ lần 1, chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng”- anh Thuần kể.
Theo anh Thuần, ngoài việc tìm kiếm khách hàng, phiên chợ khởi nghiệp còn là môi trường rất tốt để những startup phối hợp cùng hợp tác trong những lĩnh vực kinh doanh cùng quan tâm. Với không gian mở, các startup có thể tìm kiếm, giới thiệu khách hàng cho nhau góp phần hình thành một cộng đồng khởi nghiệp đoàn kết, vững mạnh.
Ngoài ra, tại phiên chợ nhiều dịch vụ, sản phẩm mới lạ của các nhóm hỗ trợ khởi nghiệp đã dành được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng, nhất là đối tượng trẻ.
CLB Board Game Việt lấy ý tưởng xây dựng một môi trường tư duy sáng tạo lành mạnh, hỗ trợ tối đa cho các ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp sau này.
“Nhóm đã tìm hiểu và tự thiết kế nhiều trò chơi trí tuệ kích thích sự sáng tạo và kỹ năng cho các bạn trẻ. Trong mỗi tháng nhóm sẽ tổ chức 2 buổi offline tạo ra những sân chơi trí tuệ bổ ích, tạo không gian chơi thoải mái nhưng vẫn thúc đẩy khả năng tư duy của mỗi người”- Hồ Phương Thảo, trưởng nhóm Board Game Việt nói.
Với phiên chợ lần 2 được tổ chức, nhiều startup đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để thay đổi sản phẩm của mình phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Dũng, phó giám đốc Trung tâm ươm tạo DN công nghệ, ĐH Bách khoa TP.HCM, sau phiên chợ lần thứ nhất, Ban tổ chức đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các startup muốn duy trì mô hình này lâu dài.
“Trong tương lai các phiên chợ mini với những nhóm sản phẩm, dịch vụ cùng lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, thực phẩm…sẽ được tổ chức nhằm tăng cường khả năng kết nối, trao đổi kiến thức, hợp tác kinh doanh của các startup tốt hơn”- ông Dũng nói.