Nhóm nghiên cứu phòng Cơ điện tử - Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát triển thành công một mẫu cánh tay máy 6 bậc tự do có tên là SM6 định hướng ứng dụng trong sản xuất công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Hệ thống Robot SM6 là một sản phẩm chính của dự án: “Hoàn thiện, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo Robot công nghiệp 6 bậc tự do và ứng dụng sản phẩm vào dây chuyền sản xuất công nghiệp” thuộc Chương trình “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao”.
Hệ thống Robot SM6 được kế thừa và phát triển từ sản phẩm eRobot thuộc đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc vào năm 2011.
Robot SM6 hiện đã được vận hành thử nghiệm tại Xí nghiệp 197 – Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Quốc Phòng. Robot SM6 sử dụng để vận hành sản xuất trong gia công cơ khí cụ thể là công đoạn hàn ghép chi tiết bằng kim loại của quy trình sản xuất khung giá đỡ.
Ông Cù Đức Thuận, Giám đốc Xí nghiệp 197 cho biết: “Quá trình cài đặt Robot trong nhà xưởng được thực hiện khá đơn giản. Robot có kích thước nhỏ gọn, hoạt động liên tục 1 ca/ngày với tính ổn định cao. Điện năng tiêu thụ của cánh tay Robot khoảng 1,5kW. Đặc biệt, Robot có khả năng phối hợp với công nhân và các máy móc khác trong khi thực hiện nhiệm vụ khi đã được lập trình trước. Chúng tôi hi vọng, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển sản phẩm để có thể thực hiện nhiều chức năng hơn nữa như công đoạn sơn, hàn, làm sạch nhằm nhân rộng sản phẩm, tạo nhiều lựa chọn cho các đơn vị sản xuất cơ khí trong nước”.
Thành công của SM6 mở ra hướng nghiên cứu tiếp để giảm giá thành sản phẩm so với nhập ngoại (giá nhập khẩu 1 robot cùng chủng loại dao động từ 600-700 triệu đồng), tối ưu hóa chức năng, đặc tính kỹ thuật, chủ động thiết bị thay thế, quy trình bào trì, bảo dưỡng, phát triển các ứng dụng phần mềm thông minh điều khiển, kiểm soát trên thiết bị di động ứng dụng trên nền Internet.
Ngày 23/8/2018, Bộ Công thương đã tổ chức phiên họp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cơ điện tử, Robittic – Mechatronis để thực hiện đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án. Hội đồng nghiệm thu đáng giá Dự án đã đạt được các mục tiêu chính đề ra; Có thể nói đây là một trong những Dự án đầu tiên ở Việt Nam tạo được sản phẩm Robot bao gồm cả phần cứng và phần mềm, có tính sáng tạo cao, phù hợp với xu hướng CMCN 4.0. Một trong những yếu tố quan trọng của sản phẩm là mở rộng đơn vị ứng dụng để sản phẩm được ứng dụng nhanh hơn, nhiều hơn trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam; Góp phần mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, thúc đẩy nền sản xuất công nghệ cao, thông minh, tiên tiến hiện đại.
Thanh Hà