Các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Lausanne, Thụy Sỹ và Trung tâm Bức xạ Xincrotron châu Âu vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, vật liệu perovskite có thể được sử dụng để chế tạo và phát triển các thiết bị lưu trữ dữ liệu trong tương lai.

Ngành sản xuất đĩa cứng trong tương lai có thể có bước ngoặt về vật liệu. Ảnh: Drivevault

Perovskite là các vật liệu có dạng cấu trúc tinh thể đặc biệt. CaTiO3 chính là khoáng chất perovskite được biết đến nhiều nhất. Quang điện perovskite được xem là giải pháp hiệu quả về mặt chi phí cho các ổ cứng sử dụng silicon hiện tại.

“Chúng tôi đã phát hiện ra chất liệu quang dẫn từ tính đầu tiên trên thế giới” - Bálint Náfrádi - người đứng đầu dự án tổng hợp các vật liệu quang điện từ sắt từ - cho biết.

Vật liệu mới được phát triển chứa chì và mangan, có thuộc tính của cả vật liệu sắt từ và các chất quang dẫn. Điểm đặc biệt là khi ánh sáng tác động, loại vật liệu mới này giải phóng rất nhiều electron, nhờ vậy mà bảo đảm độ dẫn của vật liệu. Thế nên, chúng ta có thể điều chỉnh số lượng electron nhờ tăng, giảm cường độ ánh sáng tác động.

Các nhà nghiên cứu cho biết vật liệu mới cung cấp một sự kết hợp tuyệt vời, giúp đem đến các tính năng như ổn định lâu dài, mật độ dữ liệu cao và tốc độ lưu dữ liệu lớn…

Theo ông Náfrádi, nghiên cứu này cung cấp cơ sở cho việc phá triển một thế hệ mới của dữ liệu quang từ các thiết bị lưu trữ. Hiện các nhà khoa học Nga và Thụy Sỹ đã hoàn thành giai đoạn thiết kế đĩa từ thế hệ mới. Họ hy vọng loại đĩa từ này sẽ có tốc độ lưu dữ liệu cao gấp nhiều lần mà không bị nóng trong thời gian hoạt động, đảm bảo sự ổn định khi vận hành.

Chi tiết của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.