PGS.TS Trần Minh Trường và nhóm cộng sự ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công một loại ống có khả năng giúp bệnh nhân sau mổ cắt thanh quản toàn phần do ung thư nhanh chóng lấy lại giọng nói.

Những thương tổn ung thư lan rộng ở thanh quản thường được điều trị bằng phẫu thuật, có thể phải cắt thanh quản toàn phần. Sau khi cắt thanh quản, nhiều bệnh nhân bị mất luôn giọng nói hoặc khó khăn trong giao tiếp. Để phục hồi phát âm, hiện nay, người ta thường sử dụng thanh quản điện tử, phát âm bằng thực quản, phát âm bằng thông khí – thực quản có kèm sử dụng ống giúp phát âm.

Theo PGS.TS Trần Minh Trường, hầu hết người bệnh ở Việt Nam sau khi phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần do ung thư không thể phát âm giao tiếp vì không đủ khả năng mua máy nói hay không có thời gian theo học các khóa huấn luyện phát âm. Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ống giúp phát âm giúp phục hồi chức năng nói cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần” do PGS.TS Trần Minh Trường làm Chủ nhiệm.

Ống giúp phát âm cho bệnh nhân cắt thanh quản toàn phần   Ảnh: CR
Ống giúp phát âm cho bệnh nhân cắt thanh quản toàn phần. Ảnh: CR

Ống giúp phát âm gồm 4 phần: thân ống, bản phía thực quản, bản phía khí quản, và van ống. Thân ống được làm bằng nhựa PVC, có bề dày thành ống 0,5mm, chiều dài ống 3 – 4cm, gồm 2 đầu gọi là bản phía thực quản và bản phía khí quản. Bản phía thực quản gắn liền với thân ống, được làm từ phần đầu nối phình to ra của ống. Bản khí quản có dạng hình tròn, đường kính 9mm, ôm sát phía ngoài của thân ống và có thể trượt trên thân ống nhưng khít và không tự rơi ra được. Van của ống giúp phát âm, được cắt theo hình chữ nhật xén góc để phù hợp với bản phía thực quản. Van có chiều dày 0,3mm, dài 10mm, rộng 8mm, được đính vào bản phía thực quản.

Phẫu thuật đặt ống giúp phát âm cho bệnh nhân     Ảnh: CR
Phẫu thuật đặt ống giúp phát âm cho bệnh nhân. Ảnh: CR

Ống được gắn vào thông giữa khí quản – thực quản ở 40 bệnh nhân đã cắt thanh quản toàn phần. Sau khi đặt ống, bệnh nhân có thể tập phát âm ngay. Để nói lưu loát và sử dụng trong giao tiếp, bệnh nhân được tập luyện từ 7 – 10 ngày. Kết quả, 75% bệnh nhân có tiếng khàn nhẹ, 25% khàn vừa, không có bệnh nhân khàn nặng. Số từ các bệnh nhân phát âm được trên 100 từ/phút đạt trên 55%, 80 – 100 từ/phút đạt 30%, 30 – 50 từ/phút đạt 15%. Không có bệnh nhân nào phát âm yếu dưới 30 từ/phút. Trong quá trình đặt ống, xảy ra một số biến chứng như tắc đờm, tụt van, viêm loét thành khí thực quản, hẹp lỗ mở khí quản. Tuy nhiên, các biến chứng này đều có thể xử lý được và sử dụng ống bình thường.

PGS.TS Trần Minh Trường cho biết, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để các cấp chính quyền, doanh nghiệp có thể nghiên cứu tham gia đầu tư, sản xuất công nghiệp và đưa ra thị trường sản phẩm ống giúp phát âm của Việt Nam chất lượng và an toàn, với giá thành phù hợp.

Nhóm nghiên cứu cũng sẵn sàng chuyển giao việc sử dụng ống giúp phát âm cho các bệnh viện tuyến tỉnh.