Ngày 22/4, Bệnh viện TW Huế cho biết, các bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Nội soi đã lấy thành công dị vật là mảnh xương cá trong phế quản bệnh nhân bỏ quên suốt 5 năm.
Trước đó, ngày 1/4, bệnh nhân nam Nguyễn Ngọc Đ, (74 tuổi, ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế) nhập viện với chẩn đoán viêm phổi, tràn dịch màng phổi trái, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết và điều trị với các thuốc kháng sinh, Corticoid, giãn phế quản…
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được nội soi phế quản ống mềm và nghi ngờ có dị vật ở phế quản thùy dưới trái, vị trí tiếp xúc của dị vật tăng sinh mô hạt nhiều; niêm mạc phế quản thùy dưới viêm đỏ, phù nề; có nhiều mủ chảy ra từ phế quản thùy dưới.
CT Scan phổi cùng ngày cho kết quả viêm phổi tắc nghẽn ở toàn bộ thùy dưới phổi (T) do các mảnh dị vật cản quang ở đoạn cuối nhánh phế quản thùy dưới phổi (T) và đoạn đầu nhánh phế quản phân thùy 8 phổi (T). Viêm giãn phế quản ở thùy dưới phổi (P) bội nhiễm rải rác ở phổi hai bên. Tràn dịch màng phổi (T) lượng vừa.
Ngày 21/4, bệnh nhân đã được nội soi phế quản ống mềm lấy được dị vật là mảnh xương hình khối, kích thước khoảng 12x13x11mm ở phế quản thùy dưới trái. Quá trình lấy dị vật hơi khó khăn do dị vật nằm đã lâu trong lòng phế quản gây viêm phổi nghẽn, tăng sinh mô hạt nhiều nên phải giải phóng mô hạt, súc rửa phế quản sau đó mới có thể tiến hành gắp dị vật.
Bệnh nhân cho biết, khoảng 5 năm trước đó nghi ngờ có sặc dị vật vào đường thở sau ăn canh cá, nhưng cứ ngỡ đã ho khạc ra nên không để ý. Sau đó hay bị ho, khạc đàm, khó thở từng đợt điều trị không khỏi dứt điểm.
Nguy cơ biến chứng từ dị vật phế quản bỏ quên
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện TW Huế, dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.
"Đa số các trường hợp dị vật phế quản bỏ quên thường gây nhiễm trùng phế quản phổi dai dẳng, tái lại sau khi ngừng kháng sinh, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, có trường hợp vào điều trị tại bệnh viện chúng tôi phát hiện dị vật bỏ quên đã 9 năm," bác sĩ Hương nói.
Thường bệnh nhân vào viện hay tuyến dưới chuyển lên với chẩn đoán viêm phổi, áp xe phổi, u phổi hay lao phổi. Thời gian dị vật nằm trong phế quản càng dài gây kích thích tăng sinh mô hạt càng nhiều ở vị trí phế quản tiếp xúc với dị vật, gây nên tình trạng viêm phổi nghẽn tái đi tái lại, gây khó khăn khi lấy dị vật... và có thể để lại di chứng như giãn phế quản, hẹp lòng phế quản do sẹo sau khi dị vật đã được lấy ra.
“Trước một trường hợp nhiễm trùng phế quản phổi mạn tính và tái phát ở cùng một vị trí, không có nguyên nhân rõ ràng, cần nội soi phế quản để xác định chẩn đoán, tránh thiệt hại về sức khỏe cũng như về kinh tế cho bệnh nhân”, bác sĩ Hương đưa ra lời khuyên.