Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tiếp theo sự việc phải triệu hồi 1,2 triệu xe trong thị trường nội địa, Nissan tới đây phải ngừng sản xuất toàn bộ các nhà máy khi phát hiện ra một sự việc nghiêm trọng hơn thế.

Đây có lẽ là thời điểm đen tối đối với nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 2 Nhật Bản – Nissan khi mà hồi đầu tháng hãng này đã triệu hồi khoảng 1,2 triệu xe được sản xuất và tiêu thụ tại Nhật Bản trong giai đoạn 2014 - 2017 vì những sai sót trong hoạt động kiểm tra xe cuối cùng trước khi xuất xưởng.

1

Và ngày 19/10 vừa qua, hãng tuyên bố ngừng sản xuất xe hơi tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi phát hiện sản phẩm tại một số nhà máy không được thực hiện đúng quy cách, dù đã được cảnh báo.

Một số đợt kiểm tra vẫn được tiến hành mà không báo trước đã bị phát hiện tại nhà máy Nissan Shatai, chi nhánh của hãng Nissan, trong bối cảnh Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản đã cảnh báo Nissan hồi tháng trước và hãng cũng đã thừa nhận vụ bê bối này.

Các vấn đề tương tự đã được phát hiện tại 3 nhà máy khác, trong đó có nhà máy Oppama hàng đầu của Nissan đặt tại Yokosuka, gần thủ đô Tokyo. Điều này cho thấy một số đợt thanh tra đã được tiến hành tại nhiều địa điểm khác với những địa điểm đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản.

Nhà máy Nissan Shatai.
Nhà máy Nissan Shatai.

Tại một cuộc họp báo ngày 19/10, CEO Hiroto Saikawa bày tỏ xin lỗi vì Nissan đã “phản bội” những khách hàng từng dành sự tin tưởng vào nỗ lực khắc phục của hãng.

Nissan sẽ ngừng sản xuất xe hơi tiêu thụ tại thị trường nội địa để tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo rằng chỉ những nhân viên có đủ trình độ, đã đăng ký theo quy định mới có thể thực hiện những bước kiếm tra cuối cùng. Nissan cũng đang cân nhắc triệu hồi thêm khoảng 34.000 chiếc xe được sản xuất từ ngày 20/9 đến ngày 18/10/2017 tại các nhà máy đã để tình trạng này tái diễn, trong đó 4.000 chiếc đã được bán cho khách hàng và nhiều khả năng chúng có thể bị thu hồi. Dự kiến chi phí triệu hồi có thể lên đến khoảng 1 tỷ Yen (8,8 triệu USD)

Nissan nhận cảnh báo lần đầu từ chính phủ vào ngày 18/9 và đã tiến hành nhiều biện pháp khắc phục. Trong một cuộc họp báo ngày 29/9, Nissan thừa nhận vấn đề này (khâu kiểm tra xe trước khi xuất xưởng), đồng thời khẳng định, hãng đã khắc phục được câu chuyện này. Sau đó, ngày 2/10, trả lời phỏng vấn báo chí, CEO Hiroto Saikawa nhấn mạnh, hãng Nissan đã thay đổi để đảm bảo rằng chỉ những nhân viên có đủ trình độ mới có thể tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, cuộc điều tra nội bộ của Nissan sau đó phát hiện quy trình kiểm tra an toàn tại ít nhất 3 nhà máy Oppama, Tochigi và Kyushu vẫn đang được làm bởi các kỹ thuật viên không đủ trình độ.

Câu hỏi đặt ra không chỉ với Nissan mà với chính quan chức chính phủ: Tại sao Nissan lại không thể thực thi được những chính sách không khoan nhượng của mình tại các nhà máy?

3

Niềm tin vào ngành sản xuất Nhật đang ngày càng sút giảm khi mà thông tin về những vụ bê bối trong ngành sản xuất cứ ngày một nhiều lên. Cùng với những bê bối của hãng túi khí Takata và nhà máy Kobe Steel thời gian qua, vụ bê bối của Nissan cũng đã hé lộ nhiều vấn đề bất cập liên quan tới hoạt động và quản lý của các hãng sản xuất.

Với riêng Nissan, một cuộc điều tra nội bộ đã phát hiện có “khoảng cách giao tiếp” khiến các nhà quản lý cấp trung và giám sát viên phụ trách hoạt động không đồng bộ và nhất quán. Điều này cho thấy sự tự chủ của các nhà máy sản xuất - vốn là lợi thế cạnh tranh và niềm tự hào cho ngành sản xuất của “xứ sở Mặt trời mọc” - lại có thể làm suy yếu thương hiệu Nhật Bản?

Vụ bê bối đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản cũng như uy tín của nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 2 Nhật Bản. Nissan đã sản xuất khoảng 1 triệu chiếc xe hơi tại Nhật Bản trong năm tài khóa 2016 với doanh số bán hàng nội địa hàng năm khoảng 400.000 chiếc.

Tổng cộng sẽ có sáu nhà máy ở Nhật Bản của Nissan tạm dừng sản xuất (có thông tin sẽ chỉ dừng trong 2 tuần).