Hãng BBC (Anh) vừa bình chọn 39 ý tưởng công nghệ có thể làm thay đổi thế giới. Chúng tôi xin giới thiệu 6 ý tưởng ấn tượng trong số này.
Xe chạy bằng nhiên liệu của tương lai
Năm 2015, hãng Toyota đã giới thiệu chiếc sedan chạy nhiên liệu hydro có tên Mirai. Hãng này cho biết xe có thể chạy gần 500km cho mỗi lần nạp đầy năng lượng hydro nén (thời gian nạp không đến 5 phút). Chiếc xe dự kiến sẽ được bán vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, theo BBC giá xe sẽ khá đắt bởi lẽ khí hydro phải được lưu trữ trong bình đặc biệt, chịu được áp suất cao vì lý do an toàn. Đó cũng là lý do các nhà khoa học tại Hội đồng thiết bị khoa học và công nghệ Anh (STFC) đang nghiên cứu phương pháp chiết xuất hydro từ amoniac chi phí thấp.
Theo giáo sư Bill David - người đứng đầu nghiên cứu - “một lượng nhỏ hydro trộn với amoniac là đủ để cung cấp cho quá trình cháy trong động cơ xe hơi thông thường. Dù phương pháp này chưa được tối ưu hóa, tuy nhiên, chúng tôi ước tính rằng lò phản ứng phân hủy amoniac không lớn hơn một chai 2 lít sẽ cung cấp đầy đủ khí hydro cho một chiếc xe hơi bình thường”.
Tàu chạy với tốc độ siêu âm
Ý tưởng về một hệ thống giao thông vận tải mới có tên Hyperloop của tỷ phú Elon Musk ngay từ khi mới công bố đã gây xôn xao dư luận.
Đây là một hệ thống tàu chạy với tốc độ siêu âm trong một đường hầm chân không khép kín. Tàu trong lúc chạy sẽ rất ít ma sát với đường hầm và nên sẽ di chuyển với tốc độ cực nhanh, đạt mức 1223km/h - gần bằng vận tốc âm thanh và gấp đôi so với tàu siêu tốc nhanh nhất của Nhật Bản (602km/h).
Đầu năm nay, ông Elon Musk đã phát động một cuộc thi thiết kế tàu siêu tốc Hyperloop. Kết quả là hơn 1.700 đội (phần lớn là các nhóm sinh viên, kỹ sư độc lập) đăng ký tranh tài và 300 đội đã được chọn để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc thi.
Đội chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng lớn và đặc biệt là được ông Elon Musk tài trợ thử nghiệm ý tưởng của mình trên thực tế.
Internet cho tất cả mọi người
Theo tờ Washington Post (Mỹ), tỷ phú Elon Musk hiện đang chờ chính phủ Mỹ chấp thuận cho phép thử nghiệm dự án phủ sóng Internet toàn cầu bằng 4.000 vệ tinh nhỏ, bay ở quỹ đạo tầm thấp.
Các vệ tinh được thiết kế để có thể gửi những tín hiệu tốc độ cao đến tất cả mọi người trên Trái đất, kể cả những khu vực vùng sâu, vùng xa hiện chưa có Internet để sử dụng.
Được biết, tỷ phú Elon Musk đã đệ đơn xin phép Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vào tháng 5/2015. Nếu được thông qua, dự án có thể bắt đầu thử nghiệm đầu tiên vào năm sau. Ông Elon Musk hy vọng các dịch vụ có thể đi vào hoạt động trong một vài năm tới.
Xe tự lái
Đầu năm nay, hãng xe tải Daimler đã giới thiệu mẫu xe tải tự lái được cấp phép đầu tiên. Tiến sĩ Wolfgang Bernhard - một thành viên hội đồng quản trị của hãng này – tiết lộ với hãng tin AP rằng công nghệ tự lái của chiếc xe tải này vẫn còn đang được tiếp tục thử nghiệm.
Trong khi đó, hãng xe nổi tiếng Mercedes-Benz và đối tác là công ty công nghệ Peloton cũng đang lên kế hoạch để tung ra loại xe tải chở hàng không người lái sớm nhất có thể.
Nhận xét về các dự án này, BBC bình luận: “Máy tính không cảm thấy mệt mỏi và không cần phải nghỉ ngơi thoải mái như con người”.
Được biết, xe tải không người lái sẽ có chi phí thấp, chạy ổn định hơn – đồng nghĩa với việc sẽ ít tiêu hao nhiên liệu. Thêm vào đó, các xe có thể chạy sát nhau để giảm thiểu sức cản của gió.
Dập lửa bằng âm thanh
Khi mà hỏa hoạn xảy ra ngày càng nhiều trên khắp thế giới, việc tìm ra các công nghệ mới để ứng phó với ngọn lửa đang rất được quan tâm.
Trong hoàn cảnh đó, hai sinh viên Seth Robertson và Viet Tran, Đại học George Mason (Mỹ) vừa tạo ra một thiết bị âm thanh có khả năng dập tắt lửa.
Nhận xét về nghiên cứu này, BBC khẳng định: “Ở những tần số thích hợp, ngọn lửa sẽ bị dập tắt”. Nguyên lý của nó là sóng âm được tạo ra từ thiết bị cứu hỏa này cắt đứt nguồn cung cấp ôxy cho ngọn lửa khiến nó nhanh chóng bị dập tắt.
Mặc dù phát minh này còn cần phải được thử nghiệm đối với những ngọn lửa lớn hơn nhưng hai sinh viên tỏ ra vô cùng tự tin về sản phẩm của mình.
“Tôi hy vọng trong tương lai thiết bị này sẽ được gắn vào hàng loạt robot và chúng có thể giúp nhanh chóng dập tắt các đám cháy rừng hoặc thậm chí là những đám cháy nhà lớn”, hai sinh viên này cho biết.
Hệ thống xử lý nước di động
Liên Hiệp quốc cho biết hiện tại trên thế giới có khoảng 780 triệu người không được tiếp cận với nước sạch và 2 tỷ người không được tiếp cận với vệ sinh cá nhân đầy đủ.
Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu Anh đã phát triển một hệ thống xử lý nước di động có thể được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới.
“Ở giai đoạn đầu của dự án, chúng tôi có khả năng sản xuất 2m3 nước uống trong vòng 12 ngày. Con người cần 2 lít nước uống mỗi ngày. Thế nên, chỉ cần 1m3 là đủ cho một người dùng cả năm rồi” - Giáo sư Darren Reynolds, người đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho biết.