Nó làm liên tưởng đến kế hoạch táo bạo của công ty Kodak - người khổng lồ tưởng đã “yên nghỉ” - liên quan đến công nghệ blockchain.
Nỗi niềm “trò chơi rắn
”Giữa thời buổi “người người điện thoại thông minh, nhà nhà điện thoại thông minh”, thì việc huyền thoại đầu tư tài chính của thế giới Warren Buffett chia sẻ quan điểm “nếu phải mua iPhone, tôi sẽ là người cuối cùng trên đời làm việc đó”. Ông chung thủy với cái điện thoại hai chức năng của mình: gọi và nhắn tin.
Và vì thế, Nokia, hãng điện thoại từng nắm giữ tuyệt đối thị phần điện thoại di động thế giới thưở xưa, bị bỏ lại trong làn sóng công nghệ vẫn còn chỗ đứng cho những sản phẩm cơ bản nhất của mình. Nhưng ngoài việc giá rẻ, thì Nokia bây giờ không có chút hấp dẫn nào như thời vàng son: điện thoại xấu, chất lượng kém bền và không làm người sử dụng thấy hãnh diện gì cả.
Nokia 8110 4G thiết kế theo cảm hứng của phim Matrix.
Cho tới tuần rồi, Nokia 8110, chiếc điện thoại từng xuất hiện trong bộ phim “Ma trận” (Matrix) ra mắt năm 1996 vừa được nhà sản xuất HMD Global “hồi sinh” với phiên bản 4G trong sự kiện ra mắt sản phẩm của hãng tại MWC 2018. Ngoài kết nối 4G, phiên bản Nokia mới còn hỗ trợ loạt dịch vụ của Google như trợ lý ảo Google Assistant, bản đồ Google Maps và Google Search, khả năng lên Facebook, Twitter và tất nhiên là game rắn săn mồi (Snake) quen thuộc. Thời lượng pin của máy cũng khá tốt với thời gian chờ 25 ngày, 9 ngày đàm thoại liên tục.
Đây là lần thứ 2 Nokia mang trở lại các dòng điện thoại cũ thành một sản phẩm mới nhưng vẫn giữ những đặc điểm đã trở thành huyền thoại, năm ngoái là Nokia 3310 còn năm nay là Nokia 8110. Cũng trong sự kiện, Nokia tự hào tuyên bố hãng là nhà sản xuất điện thoại cơ bản (feature phone) số 1 thế giới, bán được 70 triệu thiết bị trong năm 2017 bao gồm cả feature phone và smartphone, trong đó feature phone chiếm phần lớn hơn.
Juho Sarvikas, CPO HMD Global mô tả Nokia 8110 là chiếc điện thoại giúp người dùng “nghỉ ngơi” khi đã quá nghiện smartphone. Người viết bài thì chẳng nghĩ gì, chỉ thấy dòng quảng cáo “Trò chơi rắn săn mồi được cài đặt sẵn”, vậy là ra tiệm mua ngay “một thời thanh xuân của mình”.
Và “tiền mật mã Kodak”
Mới hai mươi năm trước, Kodak sở hữu những chuyên gia công nghệ tốt nhất nhì thế giới, sở hữu lượng bằng sáng chế cũng khủng không kém, và có thời, lượng nhân viên toàn cầu lên đến 145.000 người. Thế nhưng, khổng lồ là thế, cuộc cách mạng kỹ thuật số hóa hình ảnh bỏ Kodak lại phía sau. Cái tên dần đi vào lãng quên, cho đến ngày, công ty 130 tuổi này công bố một kế hoạch “trở lại và lợi hại hơn xưa” bằng công nghệ blockchain và tiền mật mã với tên gọi KodakCoin.
Nhóm kỹ sư Kodak miệt mài nghiên cứu blockchain. Ảnh: NYT
Ý tưởng công nghệ này, nghe thì đơn giản, nhưng vô cùng hấp dẫn: đó là phương thức làm cho các bức ảnh được mã hóa để bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, vốn là thứ khó khăn và tổn thất lớn nhất của các nhiếp ảnh gia cũng như đơn vị sở hữu bản quyền ảnh trên toàn thế giới. Kodakcoin sẽ tạo ra một “sàn giao dịch” hình ảnh hiện đại và lớn nhất thế giới, chắc chắn rồi.
Giá cổ phiếu của Kodak leo thang theo cấp số nhân, vì theo quy luật của “xu hướng hóa”, những gì kết hợp với những thuật ngữ thời thượng đều có sức hấp dẫn nhà đầu tư, chưa kể đến ý tưởng này lại có vẻ có khả năng thực hiện và chắc chắn mang tính cách mạng trong ngành nhiếp ảnh.
Tiếc là ngày công bố ra mắt sản phẩm đã trôi qua, mà Kodak hình như vẫn… chưa xong sản phẩm. Có lẽ, lần trở lại của người khổng lồ vẫn còn nhiều trắc trở...