Vật đổi sao dời
Từng đánh bật Nhật Bản và thống trị nhiều năm, nay Hàn Quốc đang dần bị đẩy lui ở thị trường màn hình LCD. Cả hai công ty đều cắt giảm đầu tư, thu hẹp quy mô sản xuất, nhằm tái phân bổ nguồn lực nhiều hơn vào công nghệ OLED, vốn đòi hòi trình độ kỹ thuật cao hơn LCD. Họ hy vọng với sự vượt trội này, có thể bảo toàn vị thế của mình ở thị trường màn hình phẳng toàn cầu trước Trung Quốc.
Thị trường màn hình LCD bây giờ đã thuộc về người Trung Quốc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết cục này. Đầu tiên là những khoản ưu đãi rộng rãi từ chính phủ Trung Quốc, giúp doanh nghiệp của họ bành trướng với tốc độ chóng mặt. Thị trường TV toàn cầu trưởng thành và không thể bùng nổ doanh số hơn nữa, khiến nhu cầu chững lại. Cùng với đó là thương chiến Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều nước, người dân thắt chặt chi tiêu,... Sự suy thoái ảnh hưởng mạnh mẽ đến Samsung và LG, vốn từng sở hữu mảng kinh doanh LCD ‘hái ra tiền'. Bây giờ, trước áp lực cạnh tranh khốc liệt, họ chọn xoay trục sang OLED mặc dù tốn chi phí hơn, nhưng hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
LG chuẩn bị cải tổ mạnh mẽ vì thua lỗ
LG Display đã bị thua lỗ 313 triệu USD trong quý 2 vừa qua. Dẫn đến việc CEO Han Sang-beom là người phải chịu trách nhiệm cho sự xuống dốc, đã phải từ chức. Công ty cũng chuẩn bị cho đợt cắt giảm nhân sự quy mô, ước tính có thể lên đến 5.000 người. Theo các nhà phân tích, hãng cũng sẽ giảm sản xuất hai dây chuyền màn hình LCD Gen 8 và Gen 7. Chung Won-seok, nhà phân tích tại Hi Investment and Securities, cho biết: "LG Display dự định dừng sản xuất dần dần ở các dây chuyền LCD của mình trong quý 4 này". Công ty không xác nhận kế hoạch giảm đầu tư LCD để đẩy mạnh OLED, tuy nhiên cho biết sẽ tiến hành chương trình tự nguyện thôi việc từ tuần sau.
LG Display đang lâm vào thua lỗ do không cạnh tranh lại màn hình Trung Quốc
Đồng hương Samsung Display cũng không khá hơn
Một nguồn tin trực tiếp từ nội bộ công ty xác nhận với Nikkei: "Chúng tôi đang cắt giảm sản xuất tấm nền LCD. Tình hình thị trường đang thực sự tệ!". Hàng tồn kho tăng cao khiến họ rơi vào tình trạng dư thừa, do vậy chỉ còn cách giảm sản xuất, "chờ giá tấm nền tăng trở lại". Nguồn tin từ chối cho biết phải cắt giảm bao nhiêu, nhưng các nhà phân tích ước tính tối đa có thể lên đến 1/3 tổng công suất. Công ty cũng dự định sẽ loại bỏ các cơ sở lỗi thời. "Samsung Display dự kiến sẽ bán các dây chuyền LCD Gen 8.5 tại cơ sở ở Asan. Vì họ đã nhận ra không thể cạnh tranh với dây chuyền Gen 10.5 của Trung Quốc," Kim Dong-won, nhà phân tích từ KB Securities cho biết.
Theo giới truyền thông Hàn Quốc, cùng với thanh lý dây chuyền LCD lỗi thời, họ sẽ dốc 10 tỷ USD đầu tư vào công nghệ OLED để thay thế. Công ty vẫn nói rằng "chưa có gì được quyết định" nhưng theo báo cáo, họ đầu tư vào công nghệ OLED tiên tiến hơn White OLED của LG Display. Công nghệ Blue OLED với các diode hữu cơ xanh dương phát sáng, kết hợp với tấm chấm lượng tử (quantum dot) để chuyển đổi thành ánh sáng đỏ và xanh lá. Bạn đọc có thể tìm hiểu về màn hình QD-OLED tại đây.
Samsung chọn cách quay trở lại thị trường màn hình OLED cỡ lớn
Khi thất thế ở LCD, OLED là ‘ánh sáng cuối đường hầm' của Hàn Quốc
BOE là công ty màn hình lớn nhất Trung Quốc, đã khánh thành nhà máy LCD lớn nhất thế giới, dây chuyền Gen 10.5 tiên tiến nhất đầu tiên. Theo sau họ, CSoT, HKC và Tianma cũng tích cực bổ sung công suất màn hình LCD. Dù muốn hay không, Hàn Quốc cũng không thể thay đổi cán cân đang nghiêng dần về đại lục. Họ phải chấp nhận nhường ngôi vương thị trường LCD lại cho đối thủ.
Cả Samsung và LG cũng không cần phải lo về nguồn cung tấm nền cho mảng sản xuất TV của mình. Thực chất nhờ áp lực cạnh tranh của Trung Quốc, giá tấm nền LCD giảm nhanh, nguồn cung càng dồi dào hơn. Cả hai hãng đều là khách hàng lớn của chính BOE, TV Samsung và LG cũng sử dụng tấm nền LCD từ Trung Quốc. Trong khi đó, đơn vị màn hình nhắm đến OLED cỡ lớn với hy vọng nắm ưu thế về công nghệ.
Hisense, LG Electronics và Samsung là ba 'khách sộp' của BOE, mua rất nhiều tấm nền LCD cho TV
LG Display đã bắt đầu chạy nhà máy OLED Gen 10.5 ở Quảng Châu, sẵn sàng cung ứng hàng triệu tấm nền OLED mỗi năm cho các khách hàng, gồm Sony và các hãng truyền hình Trung Quốc. Với việc lạnh nhạt dần LCD và liên tục mở rộng OLED, một số người tin rằng tương lai LG Display sẽ trở thành một hãng màn hình thuần OLED. Bởi họ đã đặt cược tất cả vào công nghệ này, cả bộ phận TV lẫn màn hình điện thoại.
Samsung cũng sẽ đi theo hướng như vậy. Chúng ta sẽ được thông báo về kế hoạch đầu tư sản xuất QD-OLED vào tháng sau. Thị trường LCD giờ đã do Trung Quốc kiểm soát. Chiến lược của họ là giành lấy thị phần bất chấp phải hy sinh lợi nhuận, do vậy họ sẵn sàng hạ giá để đẩy lùi đối thủ. "Mục tiêu của các công ty Trung Quốc là giành lấy thị trường màn hình. Họ ít quan tâm đến việc bị mất tiền", một giám đốc tại một nhà cung cấp Nhật Bản cho biết. Và tất nhiên khi BOE, CSoT hay HKC đã quyết ‘chơi khô máu', cơ hội cho phần còn lại là không nhiều.
Ambitious Man