Chủ tịch hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, CEO của cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt lớn nhất thế giới, hóa ra lại là một cô luật sư dịu dàng và thuần Việt: Mai Phan Zymaris. Cuộc nói chuyện diễn ra ở… khách sạn, nơi Mai phải thuê để ở lại để theo sát các hoạt động của nhiều đoàn khởi nghiệp trên thế giới diễn ra tại đây…

Mai Phan Zymaris - thành viên sáng lập VietChallenge - là một luật sư đang làm việc tại mảng luật kinh doanh tại Boston ở Mỹ. Công việc của cô là làm việc với các công ty làm các sản phẩm trong lĩnh vực hi-tech, dược phẩm và công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, Mai cũng là chủ xị của nhiều hoạt động cộng đồng mà nổi bật là “Vòng tay nước Mỹ” để kết nối cộng đồng người Việt trẻ trên khắp nước Mỹ với nhau.
Mai Phan Zymaris - thành viên sáng lập VietChallenge - là một luật sư đang làm việc tại mảng luật kinh doanh tại Boston ở Mỹ. Công việc của cô là làm việc với các công ty làm các sản phẩm trong lĩnh vực hi-tech, dược phẩm và công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, Mai cũng là chủ xị của nhiều hoạt động cộng đồng mà nổi bật là “Vòng tay nước Mỹ” để kết nối cộng đồng người Việt trẻ trên khắp nước Mỹ với nhau.

Hãy bắt đầu với câu hỏi tại sao: tại sao có VietChallenge?

À, khi mà mình đang học ở trong trường luật, thì anh trai mình, lúc này đang học tiến sĩ về khoa học máy tính cùng 5 người bạn sáng lập ra một công ty công nghệ. Các anh có mời mình tham gia và mình làm ở vị trí operation và marketing cho công ty. Khi đó chúng mình cũng không có quá suy nghĩ về tiền. Bởi vì, lúc đó tụi mình đã có nhà đầu tư đầu tư vào rồi, mặc dù vẫn chưa có sản phẩm. Nhà đầu tư nói là, tiền không phải là vấn đề, mà vấn đề lớn nhất là traction – các số liệu về thị trường. Vậy nên bọn mình tập trung vào làm. Thế nhưng trong quá trình làm, bọn mình nhận ra là cả hai anh em chỉ mới tới Mỹ. Các bạn trong team chỉ có một bạn người Mỹ, mà chưa đi làm kinh doanh bao giờ, còn lại là các bạn sinh viên quốc tế. Mình có hiểu một chút mơ hồ về kinh doanh ở thị trường Mỹ và kinh doanh theo mô hình startup, nhưng thật ra mình chưa hiểu chính xác về những đường đi nước bước ra sao.

Ở Mỹ, những mô hình kinh doanh startup thì đều đã được chuẩn hóa hết rồi. Lúc đó mình không có những kiến thức như vậy, nên công ty không được thành công lắm. Sau đó mình có nghĩ là, ngay cả bản thân mình, có đầy đủ về chuyên môn, nguồn vốn mà còn thất bại, thì nghĩ gì các bạn người Việt khác không có được những điều kiện như vậy. Từ đó, bọn mình có bàn với các bạn khác ở trong nhóm và thành lập VietChallenge. Mục đích của mình khi thành lập VietChallenge là làm như thế nào để mình có một platform – nền tảng mở - để có thể tập hợp tất cả các nguồn lực lại với nhau để giúp cho các startup Việt ở các nơi trên thế giới.

Các bạn startup đến đây có thể tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư và được tư vấn rất là tốt. Core-program - chương trình lõi của tụi mình là mentorship – cố vấn đồng hành, nên bọn mình rất chú trọng vào việc hướng dẫn các bạn về mô hình kinh doanh, thiết kế sản phẩm và pitching. Làm thế nào để startup của họ đến với nhà đầu tư và giám khảo Mỹ một cách tốt nhất. Mình nghĩ rất là ít cuộc thi khác mà có lợi thế cho người Việt của mình. Bởi vì, các bạn người Mỹ, thường sinh trưởng trong các gia đình kinh doanh, thì quan hệ của các bạn đã sẵn có rồi. Còn tại Việt Nam thì mô hình startup còn quá mới mẽ. Vậy nên sẽ là một sự bất lợi nếu các bạn tham gia cuộc thi khác. Ở VietChallenge tụi mình đã có tất cả các stockholder, nếu các startup tham gia sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về gọi vốn, mentorship và cả kết nối với khách hàng.

Vậy tại sao VietChallenge lại được tổ chức ở Boston, mà không phải ở Silicon Valley?

Mình nghĩ, ở Việt Nam mọi người chỉ biết đến thung lũng Silicon. Nó là tổng hợp của rất nhiều thành phố ở bang California, nên nói bây giờ tổ chức ở đâu thì rất là khó. Còn ở Boston, nó là cái nôi về khoa học công nghệ ở Mỹ và cũng là cái nôi của đổi mới sáng tạo. Bản thân Boston, trong một thành phố nhỏ đã có 64 trường đại học, trung tâm nghiên cứu hàng đầu như MIT, Harvard,… Và riêng MIT, nó là một “nhà máy sản xuất startup” ở Mỹ rồi. Và một lý do khác khá là quan trọng, VietChallenge được thành lập trong cuộc họp của hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại MIT, Boston. Vậy nên nhóm tổ chức đã đặt nền ngay từ đầu ở Boston. Và hội thanh niên sinh viên Việt Nam trụ sở chính cũng ở Boston. Vậy nên toàn bộ quan hệ bọn mình đã có rất là tốt ở đây rồi, từ team, gọi vốn,… Những điểm đó bọn mình không tìm thấy được ở đâu ngoài Boston.

Sau 4 năm, Mai thấy VietChallenge đã thay đổi như thế nào? Và điều gì làm chị tự hào nhất trong VietChallenge 2019?

Sau 4 năm VietChallenge thay đổi về tất cả mọi thứ, từ quy mô, số lượng, chất lượng của các đội tham dự, giám khảo, mentor. Và kể cả về thương hiệu, khi mà nhắc đến VietChallenge mọi người biết ngay đây là cuộc thi rất uy tín. Các startup tham gia vào VietChallenge cũng đã đạt được những thành công nhất định. Điều làm mình tự hào nhất, cũng là động lực để mình cũng như toàn ban tổ chức tình nguyện làm cống hiến, đó là tất cả nhà tài trợ và đầu tư đều chung một mục tiêu làm thế nào để giúp cho các bạn startup founder người Việt có thể thành công nhất. Ví dụ mentor của chương trình không hề nhận đồng lương nào, nhưng mọi người vẫn ân cần đi cùng với các đội tham gia trong vòng 4 tháng trời vừa qua. Các nhà đầu tư, giám khảo họ hoàn toàn tình nguyện và quay trở lại với chương trình. Cũng không thể không nhắc đến các cơ quan đoàn thể của chính phủ, các tổ chức.

9 đội vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu - VietChallenge 2019
9 đội vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu - VietChallenge 2019

Mình nghĩ sự đồng lòng của cộng đồng để giúp cho các starup Việt, để tạo ra Google, Alibaba của người Việt là điều mình thật sự tự hào. Như ông … Soni, một giám khảo người Mỹ gốc Ấn, ông đã nói là không có một cuộc thi nào, không có một dân tộc nào mà ông thấy được niềm tự hào khi mình là người Việt và niềm vui khi mà thấy người khác trong cộng đồng của mình nó thành công mà mạnh mẽ như người Việt.

Dưới góc nhìn của một luật sư, Mai có lời khuyên gì dành cho các startup Việt Nam không?

Đối với các startup ở Việt Nam, như tất cả luật sư đều nói, nếu bạn đi các bước chuẩn chỉnh ngay từ ban đầu, thì việc để sửa các lỗi về sau sẽ dễ dàng hơn và đỡ mất tiền hơn. Thì từ ban đầu, bạn có thể tìm đến các luật sư để hỏi họ về các thủ tục từ thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký ngành nghề ở Việt Nam, ngay cả quá trình kêu gọi vốn như thế nào thì nên luôn luôn có một luật sư để làm các công việc như vậy. Còn về góc độ cá nhân, mình làm với các startup quốc tế ở Mỹ, nếu bạn nghĩ đến việc lấy được vốn từ các nhà đầu tư Mỹ, thì các bạn nên hiểu rằng là VietChallenge ở Mỹ họ có rất nhiều hạn chế trong việc họ không được đầu tư vào các startup ở ngoài thị trường Mỹ. Nhưng có rất nhiều mô hình mang tính sáng tạo, họ có thể đi vòng qua các quy định như vậy.

Vậy nếu các bạn đã tiếp xúc được với VietChallenge và họ rất thích ý tưởng của bạn thì các bạn nên nghĩ đến việc các bạn có thể thành lập công ty ở Mỹ. Sau đó dùng công ty này để nhận vốn, và đầu tư lại vào công ty ở Việt Nam. Có rất là nhiều mô hình mà bọn mình đã làm trên thực tế và rất thành công. Có một điều cuối cùng rất quan trọng, mình làm với các công ty về dược phẩm rất nhiều và công nghệ sinh học, thì sở hữu trí tuệ là một phần rất quan trọng. Đặc biệt với các công ty có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao, các bạn cần phải gặp luật sư để bảo vệ quyền của mình càng sớm càng tốt. Nhất là khi các bạn nhắm vào các thị trường như Mỹ, nơi mà việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là điều sống còn của các công ty. Còn nếu như bạn chậm chân, thì các đối thủ khác của bạn đã đăng ký và chiếm được quyền độc quyền ở thị trường. Như vậy sẽ rất khó cho các startup có thể tham gia vào các thị trường lớn và có thể bị kiện ngược lại. Vậy nên nếu các bạn biết công ty của mình thiên về quyền sở hữu trí tuệ thì nên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng sớm càng tốt.

Một phụ nữ, gốc Á Đông, làm luật sư ở Mỹ chắc không phải là chuyện dễ dàng nhỉ…

Từ góc độ phụ nữ, trong quá trình làm việc, mình đã nghe rất nhiều người nói là sẽ không làm được đâu. Thậm chí đôi lúc mình cũng tự nghi ngờ bản thân liệu mình có xứng đáng không. Nhưng mà bạn phải bỏ những điều đó ra ngoài tai. Tất cả mọi thứ từ sự nghiệp đến chồng con, đều có thể lên kế hoạch được và sẽ có những thứ mà nó đúng thời điểm hơn. Mình muốn nói với các bạn nữ khi mà đi theo con đường kinh doanh, không nên bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những tác động ở bên ngoài. Nên cố gắng tìm hiểu xem mình thật sự muốn cái gì để có thể lên kế hoạch cuộc đời. Nếu tìm được bạn đời thì hãy tìm những người có thể đóng góp vào con đường sự nghiệp của bạn, giống như bạn đóng góp vào con đường của họ. Được như vậy thì mình nghĩ sức mạnh của bạn sẽ được nhân lên rất nhiều.

Cảm ơn Mai rất nhiều.