Các nhà nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai ứng dụng một số kỹ thuật mới để giúp người nuôi ong bán được mật với giá cao gấp đôi.

Sinh viên của Trung tâm nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới trực thuộc Khoa Nông học thường xuyên kiểm tra đàn ong hàng ngày. Ảnh: Mai Nguyên Anh/WB
Sinh viên của Trung tâm nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới trực thuộc Khoa Nông học thường xuyên kiểm tra đàn ong hàng ngày. Ảnh: Mai Nguyên Anh/WB

Mô hình nuôi ong thùng kế

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, sản lượng mật ong Việt Nam hằng năm đạt khoảng 64.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm 54.000 tấn (gần 85%).

Mật ong Việt chủ yếu được sử dùng làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp thực phẩm, chỉ một phần nhỏ được dùng dưới dạng sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Ngay tại thị trường trong nước, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm mật ong nhập khẩu. Theo Ngân hàng Thế giới, một trong những lý do chính là nông dân thường thu hoạch mật ong quá sớm, không đúng phương pháp và để lẫn nhiều tạp chất, tập trung vào số lượng thay vì chất lượng.

PGS. TS. Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới trực thuộc Khoa Nông học của Học viện Nông nghiệp, luôn trăn trở về vấn đề phải làm sao để chất lượng mật ong của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Suốt nhiều năm qua, ông và các cộng sự đã thành công trong việc thử nghiệm phương pháp nuôi ong trong thùng kế nhằm tăng độ tinh khiết của mật ong. Ước tính, việc nuôi ong trong thùng kế có thể giúp nông dân bán mật ong với giá gấp đôi.

Kỹ thuật này đã được Trung tâm chuyển giao cho nông dân tại một số tỉnh như Sơn La, Nghệ An, Bắc Giang, Thái Bình... Theo ông Hoàng Anh Sáng, chủ một trang trại ong ở Lục Ngạn, Bắc Giang, nơi được chọn làm thí điểm chuyển giao mô hình nuôi ong thùng kế theo hướng VietGAHP giai đoạn 2020-2022, việc sử dụng thùng kế để nuôi ong có nhiều ưu điểm so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống.

Thùng kế, hay đầy đủ hơn là 'thùng kế rời cầu 1/2' có cấu tạo gồm một thùng dưới gọi là tầng trệt, có kích thước như thùng nuôi ong đơn 4-6 cầu, là nơi ong chúa đẻ trứng và nuôi ấu trùng; và một thùng trên gọi là tầng kế lửng, có chiều rộng và dài bằng thùng trệt nhưng chiều cao chỉ bằng 1/2, đóng vai trò như “nhà kho” dự trữ mật. Giữa hai tầng có lưới để ngăn ong chúa không di chuyển lên và đẻ vào bánh tổ, tạo ra sản phẩm ong sạch hơn. Khi vào mùa hoa hoặc khi thấy đàn ong hoạt động mạnh, có thể đặt thêm từ 1đến 4 tầng kế ở bên trên để tăng nơi dự trữ mật cho ong.

PGS. TS. Phạm Hồng Thái, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới. Ảnh: Mai Nguyên Anh/WB
PGS. TS. Phạm Hồng Thái, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới. Ảnh: Mai Nguyên Anh/WB

Khi thu hoạch mật, người nông dân chỉ cần lấy các cầu mật ở tầng kế ra mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động đẻ trứng của ong chúa và nuôi dưỡng ấu trùng của ong thợ ở tầng dưới. Đặc biệt, mật ong thu ở tầng kế là mật đã chín, hàm lượng nước thấp, không lẫn xác ấu trùng nên chất lượng mật hơn hẳn mật ong thu ở thùng đơn.

Ngoài ra, nuôi ong thùng kế cho phép thu các sản phẩm mật ong khác nhau như mật ong ly tâm (giống như mật ong thu ở thùng đơn) và mật ong bánh tổ, vốn được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng và có giá trị thương mại cao.

Nuôi ong thùng kế là một kỹ thuật khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Phương pháp này đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn (giá một thùng kế có thể lên tới 700.000-800.000 đồng, so với 150.000-250.000 đồng/thùng đơn) nhưng bù lại chất lượng, giá trị mật ong sẽ được nâng cao.

Làm chủ nguồn ong giống

Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới còn là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thành công trong việc thụ tinh nhân tạo cho đàn ong chúa.

Trong một đề tài nghiên cứu với Bắc Giang năm 2016, PGS. TS. Phạm Hồng Thái nói rằng thụ tinh cho ong chúa là công nghệ mũi nhọn để chọn tạo giống ong mật, kiểm soát được các cặp lai theo ý muốn của nhà tạo giống. Công nghệ cũng cho phép chọn tạo được dòng thuần, phục tráng giống và hạn chế bệnh tật cho ong.

Điểm mạnh của công nghệ này là chủ động trong việc lấy tinh trùng từ ong đực (đàn bố) nhờ các thiết bị chính xác tuyệt đối dưới kính hiển vi, sau đó bơm tinh trùng vào túi chứa tinh của ong chúa. Như vậy, con lai F1 hay ong thợ của ong chúa được thụ tinh nhân tạo sẽ có những tính trạng thể hiện ưu thế lai.

Phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn ong chúa ở Học viện Nông nghiệp đã cung cấp hàng trăm ong chúa giống, hàng nghìn đàn ong cho người nuôi ong của Việt Nam. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam/VNP
Phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn ong chúa ở Học viện Nông nghiệp đã cung cấp hàng trăm ong chúa giống, hàng nghìn đàn ong cho người nuôi ong của Việt Nam. Nguồn: Báo ảnh Việt Nam/VNP

PGS. Thái cho biết, Trung tâm đang có 2 giống ong được bà con nông dân tin tưởng cho năng suất mật cao và tính kháng bệnh tốt không phải dùng thuốc điều trị, đó là HVN và VNUA. Hai giống này có thể làm tăng năng suất từ 25 - 30% so với giống cũ.

Thành công của các kỹ thuật chọn tạo giống và chăn nuôi đã đưa tiếng vang của ngành nuôi ong Việt Nam ra thế giới. Một số đoàn học giả, người nuôi ong từ các quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Belarus đã đến Trung tâm tham quan học hỏi. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp nhận một số nghiên cứu sinh từ Indonesia và Campuchia đến học tập phương pháp gây giống ong của mình.

Áp dụng công nghệ số để theo dõi chất lượng

Bên cạnh giới thiệu kỹ thuật nuôi ong mới, Trung tâm của PGS. TS. Phạm Hồng Thái đang thí điểm việc sử dụng công nghệ số trong quá trình nuôi ong và giám sát chất lượng mật ong. Các nhà khoa học đang bắt tay với một số công ty tại Hà Nội và Đắk Lắk để triển khai các mô hình công nghệ mới này vào thực tiễn.

Mô hình bao gồm một hệ thống các cảm biến thông minh kết hợp IoT và ứng dụng chạy trên nền tảng điện thoại thông minh để theo dõi nhiệt độ, độ ẩm hay sản lượng mật của đàn ong trên toàn trang trại.

Việc ứng dụng công nghệ cao giúp cho người nuôi ong nắm bắt được các thông số môi trường nuôi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và xử lý kịp thời mà không cần phải có mặt tại trang trại. Người nuôi ong có thể quản lý vài trăm đàn ong mà không tốn quá nhiều công sức. Doanh nghiệp ong sẽ kiểm soát được toàn bộ hệ thống trang trại của mình cũng như các hộ nuôi ong vệ tinh đang tham gia vào chuỗi liên kết.

Hệ thống này còn tích hợp công nghệ blockchain để ghi lại "nhật ký" nuôi ong một cách minh bạch và không thể thay đổi. Nhờ vậy, các nhà nhập khẩu hoặc thương lái có thể truy xuất nguồn gốc và tin tưởng được chất lượng, sản lượng của đối tác, từ đó tạo thế cho các trang trại nuôi ong của Việt để đưa ra giá cao hơn.

PGS. TS. Phạm Hồng Thái cho biết, việc áp dụng các công nghệ 4.0 còn giúp ích cho công tác giảng dạy và nghiên cứu về ong của các nhà khoa học đang muốn hỗ trợ ngành ong phát triển bền vững. Chẳng hạn, khi nghiên cứu nhiệt độ, ẩm độ, nếu không có các dữ liệu và trang thiết bị theo dõi tiên tiến thì các nhà khoa học sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra các kết luận chính xác về đối tượng gây bệnh cho ong.

Ngoài ra, việc đầu tư nhiều hơn cho các kỹ thuật nghiên cứu và công nghệ sẽ giúp giải quyết tốt hơn các bài toán của doanh nghiệp và thị trường, chẳng hạn như phân tích chất lượng mật ong và khám phá xem hàm lượng đường trong mật đến từ đâu.

Các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp nhấn mạnh rằng ngày nay, các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ phải thay đổi thói quen, dù rất khó khăn, để nhanh chóng chuyển đổi từ phương thức nuôi ong truyền thống sang những phương thức mới giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch của nhiều thị trường mật ong quốc tế cũng như tiêu dùng nội địa.

Khám phá mô hình nuôi ong tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nguồn: VTV