Sự dịch chuyển sang làm việc tại nhà đồng nghĩa với việc các công ty công nghệ lớn, quỹ đầu tư muốn mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á không nhất thiết phải đến Singapore để đặt trụ sở hoạt động hay tuyển dụng nhân tài.

Lợi thế về địa lý, nhiều nhân tài, chính sách thuận lợi cho kinh doanh... là yếu tố chính để những gã khổng lồ công nghệ đặt trụ sở quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương của mình tại Singapore. Ảnh: Nurhuda Syed / hcamag

Theo Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Singapore đã tiến hành một “chiến lược nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của mình, tận dụng vị thế là một trung tâm kinh doanh quốc tế để thu hút các startup, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các công ty công nghệ lớn.

Quốc gia này không chỉ có lợi thế về vị trí – khi nằm gần các thị trường lớn như Indonesia, Việt Nam và Philippines, mà còn có khả năng tiếp cận sâu với nguồn vốn tài chính, và có trình độ dân trí cao. Đó là những yếu tố quan trọng giúp Singapore thu hút các công ty công nghệ muốn gia tăng tầm ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á. COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của kinh tế kỹ thuật số trong khu vực, nơi có khoảng 400 triệu người dùng nền tảng kỹ thuật số và sẽ đạt giá trị 300 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, vị thế trung tâm khởi nghiệp của Singapore đang bị đe dọa bởi một đặc điểm khác của đại dịch: sự chuyển dịch sang làm việc từ xa.

Trước đây, để thuê một nhân viên người Singapore, những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, các startup và quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn, tương đương với khoản tiền thuê sáu nhân viên có kỹ năng thực sự tốt từ Indonesia. Giờ đây, theo Ee Ling Lim, người đứng đầu bộ phận Phát triển Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương tại 500 Startups, trong bổi cảnh các công ty đều chuyển sang làm việc từ xa, nhân viên người Singapore không còn là lựa chọn "tối ưu" nữa, các công ty sẽ chuyển sang tuyển nhân viên có kỹ năng tốt ở những quốc gia khác với giá rẻ hơn. Nói cách khác, Singapore có nguy cơ không còn là điểm đến hấp dẫn với tư cách là nơi đặt trụ sở hoạt động và tuyển dụng nhân tài.

Để ứng phó với điều đó, Singapore đang đầu tư rất nhiều vào những kế hoạch phát triển đội ngũ nhân tài cạnh tranh toàn cầu, bao gồm phương án kết hợp các chuyên gia tầm trung với những tài năng công nghệ trẻ nhằm tạo ra những công ty khởi nghiệp mới. “Ba tháng sau, [họ] sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư giai đoạn đầu để gọi vốn cho vòng hạt giống. Và trong khoảng thời gian ba tháng đó, chính phủ sẽ trả cho họ một khoản hỗ trợ để quá trình chuyển đổi thành startup trở nên thuận lợi hơn", Edwin Chow, trợ lý Giám đốc điều hành tại Enterprise Singapore, phân tích.

Nỗ lực đầu tư của chính phủ Singapore khá dễ hiểu, khi “Đông Nam Á đang trở thành điểm hội tụ của các chiến lược khác nhau, các nguồn vốn khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích là thử nghiệm các cách tiếp cận đầu tư khác nhau”, Leo Jiang, Giám đốc kỹ thuật số khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Huawei Cloud and AI, cho biết. Sự cạnh tranh giữa các quỹ đầu tư nhằm tìm ra kỳ lân công nghệ tiếp theo sẽ khiến khu vực này trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong nhiều năm tới, và vì vậy nó sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các quốc gia biết nắm bắt thời cơ.

Liệu Singapore có thể nắm bắt thời cơ, giữ vững vị thế của mình hay không? Mọi thứ sẽ rất khó khăn, và Chow hiểu rằng Singapore sẽ phải thích nghi với những thay đổi của thời thế. “Chúng ta quá nhỏ để có thể đặt ra luật chơi. Ta chỉ cần cố gắng hết sức để sống chung với nó.”

Nguồn: