Giám đốc tài chính Huawei, đồng thời là con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, bà Mạnh Vãn Chu, đã thua một trận chiến pháp lý lớn trong cuộc chiến chống dẫn độ sang Mỹ để Mỹ xét xử về tội gian lận tài chính.

Trong phán quyết hôm thứ Tư, Tòa án tối cao British Columbia của Canada đã phát hiện ra rằng vụ kiện chống lại bà Mạnh đáp ứng một tiêu chuẩn gọi là tội phạm kép, tức là hành vi mà Hoa Kỳ cáo buộc bà cũng bất hợp pháp ở Canada. Giai đoạn tố tụng tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng tới.

Trong các phiên tranh tụng trước đó, đội ngũ luật sư bảo vệ bà Mạnh Vãn Chu biện hộ rằng hành vi phạm tội mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh – nói dối các tổ chức tài chính để "lách" lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran – là không vi phạm pháp luật Canada, vì Ottawa đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran từ nhiều năm trước.

"Công chúa" Huawei thua trong hiệp đấu lớn của cuộc chiến chống dẫn độ sang Mỹ

Bà Mạnh Vãn Chu đang được tại ngoại nhưng phải đeo vòng định vị ở chân, đồng thời có nhiều biện pháp giám sát khác ở Canada.

Trong khi đó, các công tố viên của Canada đã bảo vệ đề nghị dẫn độ của Mỹ lập luận rằng cáo buộc "lừa gạt ngân hàng"- một hành vi vi phạm pháp luật tại cả Canada và Mỹ, mới là lý do chính của việc bắt giữ bà Mạnh. Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa dối ngân hàng HSBC Holdings Plc về hoạt động kinh doanh của tập đoàn Huawei Technologies Co Ltd tại Iran.

Giới quan sát cho rằng bà Mạnh sẽ phải đối mặt với một "cuộc chiến" cam go. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong số 798 đề nghị dẫn độ của Mỹ mà Canada nhận được từ năm 2008, Ottawa mới chỉ từ chối dẫn độ 8 trường hợp, tương đương 1%.

Dự kiến, phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh về Mỹ sẽ được mở lại vào tháng 6 tới. Tại phiên tòa này, phía bà Mạnh sẽ tranh luận về việc các quyền của bà liệu có bị vi phạm khi bà bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018 hay không. Các phiên tranh tụng dự kiến kéo dài tới hết năm nay và việc kháng cáo có thể sẽ "ngốn" thêm nhiều năm nữa.

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada gia tăng khi bà Mạnh sẽ phải ở lại Vancouver tại ngoại trong một quá trình dẫn độ kéo dài.

Ngay sau phán quyết của tòa án, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Canada trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức và đảm bảo bà trở về Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu đổ lỗi cho Hoa Kỳ về phán quyết này, nói rằng sự độc lập về tư pháp và ngoại giao của Canada đã rơi vào tay kẻ bắt nạt Mỹ.

Huawei, nhà cung cấp viễn thông lớn nhất thế giới, là tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt vào tháng 12/2018, Tổng thống Trump đã cân nhắc về trường hợp dẫn độ, nói với Reuters rằng ông có thể xem xét việc can thiệp vào vụ án trong trường hợp nếu điều đó sẽ giúp cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của Hoa Kỳ.

Vào chiều thứ Tư 27/5, các điều luật kêu gọi trừng phạt Trung Quốc đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua; nhưng Tổng thống Trump chưa cho biết liệu ông có ý định ký nó thành luật hay không.