GS Hồ Tú Bảo, PGS Nguyễn Ái Việt và TS Nguyễn Đức Thành kể những câu chuyện cho thấy cách hiểu khác nhau hoặc cũng có thể là một về nền kinh tế số.
Tại tọa đàm ‘Tầm nhìn cho Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số” do UPGen Vietnam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 15/7, các diễn giả đã thảo luận những cách hiểu khác nhau về nền kinh tế số.
Trong đó, GS.TSKH Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu thuộc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Giám đốc Khoa học tại Viện John von Neumann - cho rằng, nên hiểu nền kinh tế số là kinh tế vật thể cộng thêm ứng dụng số.
Theo GS Bảo, xã hội thường hiểu nhầm rằng, đang làm kinh tế vật thể chuyển sang kinh tế số là làm một công việc hoàn toàn khác. Thực tế, chỉ có cách tương tác với những vật thể vốn có là khác đi, tức là giờ đây có thêm không gian tương tác số.
“Ví dụ, một doanh nghiệp bán bàn ghế, trước kia họ chỉ bán cho khách đến mua hàng thì giờ đây, với ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều người có thể mua mà không cần đến trực tiếp cửa hàng, có thể giao tiếp, lắng nghe khen chê về sản phẩm qua ứng dụng, website... Ngoài ra, các dữ liệu giao dịch, tư vấn cũng được doanh nghiệp quản lý dễ dàng hơn”- GS Bảo giải thích.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội, lại không đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng, để xây dựng được một nền kinh tế số cần thay đổi tư duy về mô hình kinh doanh. Nếu mô hình kinh doanh thay đổi thì khách hàng và sản phẩm cũng sẽ khác.
“Một câu chuyện kinh điển của kinh tế số là chuyện của công ty sản xuất vòng bi cho bánh xe BMW. Cụ thể, khi phát triển đến một mức độ nhất định, công ty này nhận ra, số lượng vòng bi bán ra mỗi năm không thể tăng được nữa. Vì vậy, họ thay đổi mô hình kinh doanh bằng cách, lắp sensor vào vòng bi bánh xe để thu thập dữ liệu về chiếc xe và cung cấp cho các đơn vị xây dựng hệ thống giao thông. Như vậy, thay vì bán vòng bi, họ trở thành công ty cung cấp dữ liệu từ hàng triệu chiếc ô tô với lợi nhuận lớn hơn nhiều so với việc bán vòng bi. Lúc đó, doanh nghiệp này thậm chí cung cấp vòng bi miễn phí thay vì bán” - PGS Nguyễn Ái Việt nói.
Theo ông, đây mới là bản chất của chuyển đối số chứ không phải việc doanh nghiệp bán vòng bi ứng dụng thêm công nghệ thông tin trong sản xuất bán hàng.
Ở góc nhìn toàn cảnh hơn, TS Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng, thực tế ý kiến của GS Hồ Tú Bảo và PGS Nguyễn Ái Việt là một thể thống nhất. Bởi lẽ trong nền kinh tế nào đi nữa thì vẫn cần có cơm ăn, áo mặc.... Chỉ khác là trong nền kinh tế số, mọi hoạt động giao dịch, mua bán, sản xuất đều được số hóa và những dữ liệu đó lại tạo ra giá trị mới.
Phân tích thêm về câu chuyện của PGS Nguyễn Ái Việt, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, chính công nghệ đã giúp doanh nghiệp nhận thấy giá trị mới của việc sản xuất vòng bi. Dữ liệu từ việc chiếc ô tô đi thế nào trở thành thông tin giá trị không chỉ cho công ty sản xuất mà còn với đơn vị thiết kế, xây dựng cầu đường. Nhưng để có được những dữ liệu như vậy, công ty này vẫn phải tiếp tục sản xuất vòng bi chứ không thể có chuyện không làm gì.
"Những câu chuyện như vậy đã không còn mới trên thế giới. Ở quê tôi, một cửa hàng bán cháo lòng, trước chỉ bán cho người làng, giờ nhờ có các platform mà được bán đi khắp thành phố. Bà ấy thực tế vẫn nấu cháo, vấn bán cháo thu tiền nhưng sự phân phối thì khác hoàn toàn, đều dựa vào chiếc điện thoại thông minh, ứng dụng trung gian như facebook hay Grab, Bee…” TS Thành nói. Vì thế, theo TS Thành, mô hình kinh doanh đã vĩnh viễn thay đổi và bà bán cháo lòng sẽ không bao giờ tham gia được vào nền kinh tế số nếu không có những platform.