Một quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản chống lưng vừa đề xuất mua lại công ty chuyên sản xuất vật liệu bán dẫn JSR với giá 903,9 tỷ Yen (tương đương 6,3 tỷ USD). Động thái này cho thấy tầm quan trọng chiến lược mà nhiều chính phủ phương Tây đang đặt vào những công nghệ trọng yếu của ngành chip.

Tập đoàn Đầu tư Nhật Bản (JIC) đã chào giá 4.350 Yen cho mỗi cổ phiếu của JSR – cao hơn 35% so với mức giá sau phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước. Những tin tức tích cực đã giúp cổ phiếu JSR tăng hơn 20% ngay đầu tuần này. JSR là một đơn vị uy tín trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nổi tiếng với sản phẩm chất cản quang (photoresist) mà Nhật Bản hiện đang dẫn đầu thế giới. Chất cản quang là vật liệu nhạy sáng không thể thay thế trong quá trình quang khắc tấm wafer.

.

Nhật Bản có nhiều công ty tuy không mấy ai biết tới song lại đang nắm giữ những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.

“Nhật Bản muốn tăng cường lợi thế so sánh của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn,” TS. Pranay Kotasthane, giám đốc nghiên cứu Chương trình Địa chính trị Công nghệ cao tại Viện Takshashila, trao đổi với CNBC. Đề xuất mua lại JSR của JIC đến vào thời điểm mà ngành bán dẫn đang nằm tại vị trí trung tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường Mỹ – Trung.

Năm 2002, Mỹ đã áp đặt những hạn chế xuất khẩu trên quy mô lớn đối với các sản phẩm máy móc, công cụ phục vụ hoạt động chế tạo và một số loại chip cụ thể đối với Trung Quốc. Hai mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu là Hà Lan (nơi có công ty ASML, đơn vị độc quyền cung cấp thiết bị quang khắc tiên tiến nhất) và Nhật Bản cũng tiếp bước với những hạn chế tương tự. Nhiều quốc gia phương Tây khác, đồng minh của Mỹ, cũng đang tìm cách bảo đảm chuỗi cung và phát triển ngành công nghiệp chip nội địa, tập trung vào khai thác những lĩnh vực thế mạnh truyền thống. Đối với Nhật Bản, chiến lược này liên quan đến các công ty như JSR, ...

“Vụ đầu tư của JIC vào JSR đồng nghĩa với việc chính phủ Nhật Bản sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề ra quyết định của công ty. Về mặt địa chính trị, điều đó có thể sẽ khiến Trung Quốc không cảm thấy thoải mái. Nhất là khi Nhật Bản đã cho áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hướng đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc,” TS. Kotasthane nhận định.