Khi mà cuối cùng, Facebook cũng phải nhận án phạt 5 tỷ USD từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vì vụ bê bối Cambridge Analytica, khi dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng bị sử dụng không phép, thì đến lúc chúng ta phải biết… lo âu cho nhân thân số của mình…

Ảnh: AP.
Ảnh: AP.

KHI CÁI GÌ CŨNG… BÁN

Mỗi ngày, khi chúng ta đăng một dòng trạng thái ở facebook, xem một clip ở youtube hay đơn giản là tìm kiếm một thông tin nào đó ở google thì “BANG, chúc mừng, bạn đã trở thành một sản phẩm của ngành quảng cáo.”

Theo lời của Richard Stokes- nhà sáng lập đồng thời là CEO của công ty bảo mật Winston Privacy. Hai năm trước, khi ông còn làm giám đốc điều hành tại một công ty quảng cáo quốc tế, ông đã có cơ hội xem một chương trình của một bên thứ ba - chuyên cung cấp dữ liệu khách hàng cho những công ty quảng cáo. Ông nói: “Tôi thật kinh ngạc trước những gì mà công ty khai thác dữ liệu khách hàng trình diễn cho chúng tôi coi, họ có thể ghi lại hết tất cả thông tin của một khách hàng mà họ muốn nhắm tới. Khi anh đã vào tầm ngắm của họ, họ sẽ thu thập được dữ liệu về thu nhập của anh, nơi anh làm việc, loại xe hơi mà anh đang sử dụng, sở thích sau giờ làm của anh, thậm chí là mẫu người mà anh thích. Tất cả mọi thứ, trong một chương trình.”

Có một sự thật không tưởng rằng, ngành quảng cáo bây giờ đã đi một bước vượt trội hơn hẳn so với mười, hai mươi năm về trước bởi một phần nhờ vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhà nhà, người người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop cá nhân. Hầu hết chúng ta mỗi ngày đều dành tối thiểu một số lượng thời gian nhất định chỉ để lướt mạng xã hội, nên từ đó mà quảng cáo cũng biến hóa theo để tiếp cận với người dùng. Quảng cáo hiện nay không chỉ đơn thuần chỉ dụng phương tiện truyền thông để kết nối nhãn hàng đối với người tiêu dùng, mà nó còn tận dụng nguồn tài nguyên số dồi dào để khai thác triệt để đối tượng khách hàng của mình. Đối với những công ty quảng cáo quyền lực trên thế giới, chúng ta chính là những sản phẩm mà họ luôn thèm khát để khai thác, và tất cả những sản phẩm “miễn phí”; mà ta sử dụng hằng ngày chỉ đơn giản là những công cụ để phục vụ cho lợi ích của họ.

Một ví dụ điển hình cho việc thu thập thông tin người dùng để phục vụ cho mục đích quảng cáo đó chính là mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay: Facebook. Mark Zuckerberg đã rất thông minh khi cài cắm vô số “bẫy thông tin” để có thể tận dụng triệt để nguồn dữ liệu từ khách hàng. Nó có thể thông qua những nút like và share, cho phép các trang web khác trở nên tương tác với khách hàng, dịch vụ đăng nhập Facebook cho phép bạn sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập vào dịch vụ của họ hay có hẳn Facebook Analytics cho phép các website, ứng dụng hiểu được cách người dùng sử dụng dịch vụ của họ. Nói tóm lại, rất khó để có thể tránh được tầm kiểm soát của Facebook.

David Baser- giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook đã từng có một bài giải thích cách mà Facebook và các bên đối tác của mạng xã hội này đã thu thập và chia sẻ thông tin cá nhân người dùng. “Facebook không bán dữ liệu người dùng được Facebook khai thác, mà chỉ sử dụng chúng để phục vụ nội dung cho người sử dụng. Mặc dù điều này có thể đúng, song chúng tôi cũng có thể sử dụng dữ liệu này để nhắm mục tiêu quảng cáo đến người dùng một cách chuẩn xác hơn, và còn có thể hiểu rõ người dùng đang làm gì trên không gian mạng.” Baser nói. Ông còn cho biết thêm: “Nếu bạn liên tục truy cập vào các trang tin thể thao mà đang sử dụng dịch vụ của chúng tôi, bạn sẽ có thể gặp nhiều tin tức liên quan đến thể thao hiện lên trên News Feed. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều khi người dung có cảm giác như quảng cáo Facebook đang bám riết lấy họ vậy”.

BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG TƯ NHƯ THẾ NÀO?

Theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew, 61% người Mỹ thực sự muốn bảo vệ quyền riêng tư trên mạng xã hội của họ. Hai phần ba cho rằng những dự luật an ninh bây giờ chưa đủ tốt và họ cần một thứ gì đó, có thể là những chính sách hoặc những giải pháp công nghệ để có thể tránh xa nanh vuốt của ngành công nghệ quảng cáo này. Nếu bạn cũng thuộc nhóm người này, sau đây là một trong những giải pháp bạn có thể lựa chọn:

Đầu tiên, bạn phải biết chính xác và hiểu thật rõ những thông tin mà bạn muốn chia sẻ. Hầu hết những trang web, hoặc công cụ khai thác thông tin đều có những cảnh báo chia sẻ thông tin, nhưng phần lớn sẽ được làm sơ sài khiến bạn không chú ý. Nếu người dùng cứ tập trung vào thông tin mồi nhử thì họ sẽ dễ dàng bỏ qua nó.

Thứ hai, bạn phải yêu cầu những công ty phân phối sản phẩm mà bạn đang sử dụng công khai những dữ liệu khách hàng mà họ thu thập được ví dụ như cách mà họ thu thập hay mục đích thu thập. Điển hình như Microsoft vào năm 2018 đã tự nguyện công khai cho người dùng biết được những dữ liệu nào mà Windows 10 đã thu thập được từ họ, nó thu thập ở đâu và làm gì tiếp sau đó. Phải chăng đó là một tín hiệu tốt chăng?

Cuối cùng, phải có những dự luật hoặc điều lệ để cấm những công ty khai thác thu thập, ví dụ như tình trạng sức khỏe, địa điểm cư trú hoặc tài khoản ngân hàng, ngoại trừ trường hợp người sử dụng cung cấp.