Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu và thực hiện thành công quy trình lên men sinh khối nấm Thượng Hoàng, có thể ứng dụng vào sản xuất quy mô công nghiệp, phục vụ thị trường dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Nấm Thượng Hoàng (Phellinus linteus) là loại nấm linh chi được sống lâu năm trên gỗ lâu năm, thường được thấy trên cây dâu tằm. Thành phần trong hệ sợi nấm Thượng Hoàng gồm polysaccharide (83%), protein (6,4%), 0,1% chất béo và các vitamin, khoáng chất khác. Trong đó, polysaccharide là hoạt chất chính, có khả năng kích thích mạnh hệ miễn dịch, làm hạ đường huyết, kích thích tiết insulin đối với bệnh nhân tiểu đường, gây ức chế các tế bào ung thư, hỗ trợ lưu thông máu huyết, tăng cường hiệu quả của thuốc, bảo vệ gan, chống dị ứng,…
Tuy nhiên, nấm Thượng Hoàng là nấm đa niên, thời gian nuôi trồng kéo dài nên sản phẩm khan hiếm trên thị trường (chủ yếu xuất xứ từ Hàn Quốc), giá thành cao (trên 2 triệu đồng/kg), chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số người tiêu dùng.
Phương pháp nhân sinh khối hệ sợi nấm trong các hệ thống nuôi cấy ngập chìm được xem là giải pháp để rút ngắn thời gian nuôi, thu sinh khối sợi nấm và dịch chiết có hàm lượng polysaccharide cao. Vì vậy, nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật lên men sinh khối nấm Thượng Hoàng (Phellinus linteus) quy mô 5 lít/mẻ”.
Theo quy trình, chủng nấm Phellinus linteus (lấy từ bộ sưu tập chủng giống của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM), được nuôi trên môi trường đĩa thạch PDA (Potato dextrose agar) ở nhiệt độ 25ºC – 28ºC, ủ trong thời gian 10 ngày. Sau đó, chuyển sang nuôi trong ống nghiệm chứa môi trường PDB (Potato dextrose broth) trong 15 ngày. Sinh khối nấm từ ống nghiệm được chuyển sang bình nuôi cấy ngập chìm trong môi trường lỏng với thành phần như glucose, yeast extract (nấm men), pH 5,5 và lên men với tốc độ sục khí 1,0vvm trong 30 ngày.
Sau 30 ngày nuôi cấy, tiến hành thu mẫu sinh khối và dịch nuôi trong các bình lên men. Phần sinh khối được sấy ở 45ºC trong 48 giờ để thu nấm khô, phân tích tại Viện Công nghệ hóa học cho thấy nấm có hàm lượng polysaccharide đạt 7.62 g/L (tương đương trên 20% trong hệ sợi nấm).
Theo nhóm tác giả, ưu điểm của quy trình nói trên là đơn giản, dễ thực hiện, thời gian lên men ngắn. Chi phí sản xuất ước tính cho quy mô 100 lít/mẻ (tương đương 1kg sinh khối khô/mẻ) khoảng 1,2 triệu đồng. Khi áp dụng ở quy mô sản xuất lớn có thể hạ giá thành sản phẩm.
Nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, và Trung tâm đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu với quy mô lớn sản xuất lớn.