Cả một hệ thống máy móc mô phỏng mạng lưới nơron trong não người và có khả năng tự trau dồi kiến thức đang được Google phát triển với phần đóng góp quan trọng của Lê Viết Quốc - tác giả phương pháp “Học sâu” mà hãng này đang khai thác triệt để.

Dự án huấn luyện rôbốt biết trò chuyện về những vấn đề phức tạp bằng cách tự học hỏi của tiến sĩ Lê Viết Quốc cùng đồng nghiệp tại Google là một trong những đột phá về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo năm 2015.

Nhà khoa học Lê Viết Quốc. Ảnh: INT
Nhà khoa học Lê Viết Quốc. Ảnh: INT

Rôbốt “đàm luận” về triết học

Dẫn đầu xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Google không chỉ mua hàng triệu kho dữ liệu mà còn không ngừng thúc đẩy nghiên cứu phát triển hệ thống AI. Một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của “gã khổng lồ” này là tăng cường khả năng học hỏi của máy tính để chúng có thể tự “suy nghĩ” và giải quyết một số vấn đề. Trong tháng 6/2015, một nghiên cứu theo hướng đó của tiến sĩ Lê Viết Quốc và đồng nghiệp tại Google Brain là Oriol Vinyals được công bố trên kho dữ liệu mở Arxiv.org của Đại học Cornell (Mỹ) đã cho thấy bước đột phá về AI.

Nhóm nghiên cứu đã huấn luyện cho hệ thống máy tính trang bị công cụ trò chuyện tự động Chatbot có khả năng đối thoại trên cơ sở tự học hỏi từ các dữ liệu chứ không phải theo lập trình của cuộc đàm thoại sẵn có. “Thay vì sử dụng các quy tắc để xây dựng một cuộc đàm thoại có sẵn, chúng tôi sử dựng cách tiếp cận để máy móc tự học hỏi. Máy học từ dữ liệu chứ không phải bằng các quy tắc mã hóa” - Lê Viết Quốc - nhà nghiên cứu gốc Việt - trả lời Tạp chí Wired.

Tùy thuộc vào câu hỏi, Chatbot có thể thu thập thông tin từ rất nhiều bộ dữ liệu khác nhau như từ hệ thống hỗ trợ công nghệ thông tin, dữ liệu phụ đề của một bộ phim, các trích dẫn trong sách và nhiều nguồn khác để trả lời.

Các thử nghiệm tương tác trực tiếp giữa người và máy cho thấy, Chatbot có thể giải đáp một loạt câu hỏi trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, trong phần giải đáp hỗ trợ kỹ thuật, Chatbot có thể dự đoán được vấn đề của người dùng mạng riêng ảo hay hỗ trợ giải quyết vấn đề lỗi trình duyệt. Không chỉ dừng lại ở trò chuyện bình thường như chào hỏi, giới thiệu hay một số kiến thức chung, khi được huấn luyện, Chatbot còn có thể trả lời những câu hỏi phức tạp như ý nghĩa của đạo đức và cuộc sống.

Khi được hỏi về mục đích của cuộc sống, sự sống và tồn tại, Chatbot đã có những câu trả lời triết lý gây ngạc nhiên. Ví dụ, người hỏi: Mục đích của cuộc sống là gì? Máy trả lời: Để phục vụ được tốt hơn. Người hỏi: Mục đích của sự sống là gì? Máy trả lời: Để sống mãi mãi. Người hỏi: Mục đích của tồn tại là gì? Máy trả lời: Để tìm ra những gì xảy ra khi chúng ta đến Trái đất.

Dự án trí tuệ nhân tạo đầy tham vọng

Chatbot là bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cho máy móc mà Lê Viết Quốc và cộng sự đã đạt được trong chương trình phát triển mạng lưới “thần kinh” AI do Google thực hiện. Tham vọng của Google là thiết lập một mạng lưới AI của máy móc gần bằng với hệ thống nơron trong bộ não người.

Qua thời gian tham gia nhóm nghiên cứu Google Brain, Lê Viết Quốc cùng các đồng nghiệp xây dựng một hệ thống AI gồm 16.000 máy tính, mô phỏng khoảng 1 tỷ kết nối nơron thần kinh trong não người. Hệ thống đã cho phép tự học hỏi từ dữ liệu để nhận diện loài mèo, con người cùng hơn 3.000 sự vật khác. Nhưng nó không phải dựa theo cách lập trình sẵn mà được thiết lập theo phương pháp “Deep Learning” (Học sâu) do Lê Viết Quốc nghiên cứu. Phương pháp đó hướng tới việc xây dựng hệ thống máy móc có thể tự học hỏi từ dữ liệu mà không cần có sự trợ giúp của con người.

Theo thống kê của Bloomberg, các dự án sử dụng phương pháp “Học sâu” của Google đang tăng chóng mặt. Nếu trong năm 2013, số dự án của Google áp dụng phương pháp “Học sâu” vào phát triển AI thì tới năm 2015, con số này lên tới hơn 2.700 dự án. Không những thế, chất lượng của các hệ thống AI dựa trên cách tiếp cận này cũng được cải thiện rõ rệt.

“Trong năm 2015, hệ thống AI dựa trên cách tiếp cận phương pháp “Học sâu” trở nên chính xác hơn nhiều. Trong các thử nghiệm, chỉ số lỗi giảm xuống dưới 5%, khiến máy móc (có AI-PV) ngày càng hoạt động giống con người hơn” - tờ Bloomberg đánh giá.

Mới đây nhất, Google còn sử dụng Chatbot vào phát triển một ứng dụng nhắn tin mới trên điện thoại di động để trả lời các câu hỏi của người dùng xung quanh các vấn đề liên quan đến web và hàng loạt thông tin khác như thời tiết, tin tức, nhà hàng… Hiện chưa rõ khi nào Google sẽ tung ra ứng dụng này và đặt tên là gì. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới cho dịch vụ nhắn tin mà Google theo đuổi dựa trên AI hứa hẹn sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh hơn nữa đối với các dịch vụ nhắn tin như WhatsApp của Facebook, Skype của Microsoft hay Wechat, KakaoTalk...